Tuy vậy, chưa hẳn một mảnh đất màu mỡ thì sẽ 'đãi' tất cả mọi người. Tháng 11 năm nay, một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư là Beyeu.com chính thức đóng cửa.
Trên website của mình, nhóm dự án này đã để lại một lời nhắn (viết bằng tiếng Anh), cho rằng làm thương mại điện tử tốn rất nhiều tiền, nhiều công ty sẽ quyết định không bơm tiền vào nữa. Lời tiên đoán này trở thành sự thật khi mới trưa nay, trang thương mại điện tử Deca.vn, thành lập tháng 11/2014, cũng quyết định đóng cửa.
Ông Phan Minh Tâm, một trong các sáng lập của công ty sở hữu Deca.vn cho rằng lý do đóng cửa trang thương mại điện tử này không phải do công ty thiếu tiền đầu tư, đồng thời không bình luận thêm các thắc mắc khác.
Một ý kiến chuyên gia cho rằng, 24H – công ty sở hữu Deca.vn – có thể không thiếu tiền nhưng có thể nhận thấy mức đầu tư quá cao vào trang này, lại lâu lấy lại vốn, kèm với việc sẽ có các đối thủ khác tăng nhảy vào thị trường hoặc tăng cường đầu tư trong năm sau nên đã quyết định rút khỏi thị trường.
Ông Phan Minh Tâm cho rằng đóng cửa Deca là một quyết định 'cực kỳ khó khăn'.
Trước đó, trong một bài viết vào giữa năm nay, trang Forbes cho biết các trang thương mại điện tử như Zalora, Lazada tăng trưởng rất tốt trên nhiều thị trường nhưng đều chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Điều này cho thấy mức độ khốc liệt của ngành kinh doanh thương mại điện tử khi phải đầu tư rất nhiều tiền nhưng lợi nhuận vẫn là một khái niệm nằm ở tương lai. Lazada hiện nay là trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, Zalora cũng là một trong các trang lớn chuyên kinh doanh thời trang trên mạng.
Chỉ mới đầu tháng này, Foodpanda tuyên bố ngừng kinh doanh tại Việt Nam. Đây là dự án của Rocket Internet, một quỹ đầu tư ở Đức, cũng có cổ phần lớn trong công ty đầu tư vào Lazada và Zalora. Ngay sau đó, Foodpanda được mua lại bởi Vietnammm – một trang khác cũng chuyên về gọi món giao hàng tận nhà như Foodpanda.
Trong thông báo gửi đi các đối tác, đại diện Foodpanda Việt Nam khi đó cho biết việc ngừng kinh doanh của Foodpanda là do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Đại diện truyền thông trang thương mại điện tử này khi đó cho biết, các trang Foodpanda ở thị trường khác đã hoạt động ổn định thì sẽ được giữ lại, các trang đang trong giai đoạn đầu tư (như ở Việt Nam) sẽ bị đóng cửa.
Trong 3 sự rút lui vào cuối năm của các dự án thương mại điện tử ở Việt Nam nói trên, có đến 2 sự vụ chính thức công khai lý do đóng cửa là do tài chính không kham nổi. Riêng trường hợp của Deca, mặc dù người trong cuộc không thừa nhận nhưng có ý kiến cho rằng việc rút lui cũng liên quan đến chuyện tiền bạc. Và sự rút lui này là kịp thời và khá kiên quyết trước khi quá muộn.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 ước đạt 4,08 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và CNTT. Theo dự báo của Cục này, doanh thu năm 2016 của ngành sẽ còn tăng lên, mức tăng trưởng có thể bằng với mức tăng của Singapore.
Đây là một thị trường mới mẻ và còn nhiều đất để khai thác, nhưng nếu nhìn vào cục diện có thể thấy mảnh đất này đang có sự tham gia của các đại gia lớn và rất lớn như Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), GFG (Lazada, Zalora), tiki.vn; hay có thể tính thêm Thế Giới Di Động chẳng hạn. Nếu các công ty khác nhỏ hơn tham gia thị trường nhưng vẫn chỉ kinh doanh các mặt hàng tương tự, cách thức kinh doanh tương tự những đại gia kể trên thì cơ hội là rất khó.