|
GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan |
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, bà Lan nhận quyết định về làm giảng viên ở Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên). “Cũng như các thầy, cô giáo khác, tôi đã trải qua một thời kỳ bao cấp gian truân, cuộc sống vô cùng khó khăn. Những áp lực trong công việc - cả việc trường và việc nhà”, GS Nguyễn Thị Kim Lan nhớ lại.Vấn đề kinh phí cho nghiên cứu khoa học (NCKH) rất ít ỏi, trong đó có những đề tài, bà Lan đã phải tự túc kinh phí để làm... Bà Lan nhận Bằng Tiến sĩ Thú y sau 3 năm miệt mài nghiên cứu và hoàn thành Luận án. Nhiệm vụ chính của bà là giảng dạy đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
“Mặc dù có rất nhiều khó khăn, song công việc giảng dạy và NCKH là những công việc đúng sở trường và tôi vô cùng tâm huyết. Cũng như nhiều thầy, cô giáo khác, tình yêu nghề nghiệp là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường và trong công việc để trở thành một Nhà giáo, một Nhà khoa học với đúng nghĩa của hai cụm từ cao quý này”, bà Lan chia sẻ.
|
GS Nguyễn Thị Kim Lan, ngoài cùng bên phải, trong phòng thí nghiệm tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nữ giáo sư này cũng cho biết vào những năm đầu của thập kỷ 80, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu, sản xuất theo phương thức "tự túc, tự cấp" là chính.
Hầu như rất ít áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chọn giống, thức ăn và phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm.
Cùng với các thầy, cô giáo của Khoa Chăn nuôi Thú y và các cán bộ trong ngành, GS Lan đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân miền núi về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, lấy chăn nuôi làm nền tảng trong cơ cấu nội tại của ngành nông nghiệp nói chung.
Vừa giảng dạy đại học, sau đại học, GS Lan cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng chống hiệu quả...
Ngoài tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các tỉnh miền núi khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... đều có dấu chân của GS Lan và các cộng sự.
Trong nhiều năm qua, GS Nguyễn Thị Kim Lan tập trung nghiên cứu về những bệnh phổ biến, gây tác hại lớn ở gia súc, gia cầm và biện pháp phòng chống hiệu quả.
Đến nay, GS Lan đã và đang chủ trì 15 đề tài Nghiên cứu khoa học (gồm: 01 đề tài cấp Nhà nước, 04 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp tỉnh, 01 đề tài cấp đại học và 07 đề tài cấp cơ sở). Ngoài ra, tôi còn tham gia chính thực hiện 03 đề tài cấp Bộ khác. Có 17 đề tài đã được nghiệm thu, trong đó 16 đề tài đạt loại Tốt và Xuất sắc, 01 đề tài đạt loại Khá.
Ngoài những đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các tỉnh, GS Lan cũng đã có 90 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín.
Giáo sư duy nhất giành giải thưởng cá nhân Kovalevskaia 2014 cho rằng những thành công mà mỗi chúng ta có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng, mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ tâm huyết với cơ quan, với ngành, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến.
“Từ cái suy nghĩ rất đơn giản là: đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân mình có thể cố gắng được”, GS Nguyễn Thị Kim Lan tâm sự.
Qua mấy chục năm Giảng dạy và NCKH, GS Lan nhận thấy rằng phần thưởng lớn nhất là đã tham gia đào tạo được nhiều Kỹ sư, Bác sĩ thú y, Thạc sĩ và Tiến sĩ chất lượng cao; là những kết quả khả quan mà tôi và cộng sự đã thu được sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được ứng dụng rộng rãi trong việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nữ giáo sư này cho rằng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển khoa học công nghệ thì chắc chắn, bức tranh khoa học của Việt Nam sẽ ngày một sáng sủa hơn.