Theo Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố tuần qua, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đang ở mức báo động khi rất nhiều thôn, xã không thu gom rác thải sinh hoạt; không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung; và không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản được tiến hành theo chu kỳ 10 năm một lần. Đây là cuộc điều tra quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, thu thập thông tin của 8.297 xã, 20.611 trang trại, 1,6 triệu hộ mẫu.
Kết quả điều tra cho thấy kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn nông thôn những năm 2016 - 2020 có nhiều điểm sáng như: cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch Covid-19 ở người, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm để duy trì và phát triển sản xuất ổn định. Đặc biệt, sinh kế của người dân được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh những thành quả đạt được, “sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản những năm vừa qua bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém về bảo vệ môi trường sinh thái”. Việc thu gom, xử lý chất thải của khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, dịch vụ và rác thải, nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập.
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm ngày 1/7/2020, cả nước còn gần 2.100 xã và hơn 27.600 thôn không tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chiếm khoảng 25% tổng số xã và gần 42% tổng số thôn. Trên địa bàn vùng cao có hơn 61% số xã và gần 75% số thôn không thu gom rác thải sinh hoạt. Thậm chí, nhiều địa phương tuy đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt nhưng không tiến hành xử lý hoặc xử lý không đúng kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2020, cả nước có khoảng 4.800 xã và hơn 43.000 thôn không có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm gần 58% tổng số xã và hơn 65% tổng số thôn khu vực nông thôn. Đáng chú ý, phần lớn lượng nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh và nước thải sinh hoạt của dân cư trên địa bàn nông thôn xử lý không triệt để, thậm chí không xử lý, đổ thẳng ra kênh mương, sông suối gây ô nhiễm trên địa bàn rộng lớn.
Ngoài ra, khu vực nông thôn còn có nhiều loại chất thải khác gây ô nhiễm môi trường như: chất thải khí, chất thải rắn, chất thải y tế, gia súc và gia cầm chết, đặc biệt là tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng thải bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngay tại ruộng, hồ ao, kênh mương, sông suối khá phổ biến. Kết quả điều tra cho thấy, năm 2020, cả nước có gần 4.100 xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chiếm gần một nửa tổng số xã khu vực nông thôn. Do sử dụng thuốc và thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định nên tỷ lệ đất nông nghiệp sản xuất hiệu quả và bền vững đánh giá theo tiêu chí sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất của hộ nông nghiệp năm 2020 chỉ có khoảng 32% đạt mức độ cao; hơn 9% đạt mức độ trung bình và gần 58% không đạt.
Theo Tổng cục Thống kê, “thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả để xử lý, khắc phục những hạn chế nêu trên”, nếu không, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái sẽ tiếp tục gia tăng và tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn.
Có thể đọc Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020
tại đây.