Cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 như mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… - Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo mới nhất về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020.

Theo đó, khu vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất với 71,6% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7%; và cuối cùng là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 26,4%.

Trong số những lao động bị ảnh hưởng, 69,2% người bị giảm thu nhập; 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hơn 32 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: kinhtevn.com.

Nếu tính riêng quý IV, thống kê cho thấy một số điểm tích cực, ví dụ như lực lượng lao động đang tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III, dù chưa thể trở về trạng thái của cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý III, dù thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, điều này một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019. Ở khu vực thành thị, tỉ lệ này là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm. Theo báo cáo, dù tăng cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị năm 2020 đã không vượt quá 4,0%, đạt muc tiêu như Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Tính chung cả năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc vẫn giảm 1,3 triệu người (tương đương 2,36%) so với năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, “Mức giảm lao động có việc làm trong năm nay là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua” và hoàn toàn trái ngược với xu hướng tăng việc làm hằng năm trong những năm gần đây, khi từ 2010 đến 2019, số lao động có việc làm mỗi năm tăng bình quân hơn 600 nghìn người.

Thêm vào đó, số lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người; còn số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người, giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tình trạng này cũng trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ lao động phi chính thức trong nhiều năm trở lại đây, qua đó cho thấy đại dịch Covid-19 vẫn đang tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc mới còn một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định và thiếu tính bền vững.