Cuối tuần qua, tại TP Quy Nhơn, gần 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim/thực hành nghệ thuật Việt Nam, Đài Loan, Mỹ, và Pháp đã gặp gỡ, trao đổi về vấn đề cải biên chất liệu truyền thống/quá khứ Việt Nam trong điện ảnh và thảo luận về những chất liệu tiềm năng cho các dự án nghệ thuật trong tương lai.

Những năm qua, điện ảnh Việt Nam có xu hướng tiếp thu, cải biên chất liệu lịch sử, văn hóa quá khứ. Đã có nhiều phim nghệ thuật, phim truyền hình về các nhân vật lịch sử như Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản, Chu Văn An, Đặng Thị Huệ, Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Hoàng Hoa Thám…; cũng như nhiều phim chuyển thể các truyền thuyết, huyền thoại và tác phẩm văn học như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Thạch Sanh, Tấm - Cám, thằng Bờm, Trạng Quỳnh, Truyện Kiều, Phạm Công - Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Giông tố, Số đỏ

Tuy nhiên, hiện nay, các ngành nghệ thuật, văn hóa và lịch sử thường vẫn hoạt động tương đối phân tách, dẫn tới việc xây dựng sản phẩm liên ngành và tiếp cận kiến thức lẫn nhau còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc nghiên cứu quá trình cải biên thường được coi là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, không phải của các nhà làm phim hay các đơn vị làm nghệ thuật. Tình trạng này tạo ra một khoảng trống cần được khỏa lấp.

Hội thảo quốc tế Di sản lịch sử văn hóa Việt Nam và cải biên điện ảnh được tổ chức nhằm thu hẹp khoảng trống này bằng cách tiếp cận vấn đề cả từ góc độ lý thuyết và thực tiễn; kết nối việc nghiên cứu hàn lâm với các thực hành nghệ thuật, thúc đẩy tính liên ngành thay vì tách biệt đơn ngành; đồng thời tăng cường nhận thức về mối liên hệ giữa văn hóa, lịch sử với nghệ thuật.

Ảnh: DAD
Gần 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim/thực hành nghệ thuật Việt Nam, Đài Loan, Mỹ, và Pháptham dự Hội thảo. Nguồn: DAD

Cụ thể, tại Hội thảo, gần 100 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim/thực hành nghệ thuật Việt Nam, Đài Loan, Mỹ, và Pháp tập trung thảo luận ba nhóm chủ đề chính:

Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh – truyền hình: Bàn luận, khơi mở về các diễn ngôn và tự sự (vi) lịch sử, những câu chuyện lịch sử, huyền tích – giai thoại hấp dẫn trong các văn bản chính sử, có tiềm năng trở thành chất liệu cho phim điện ảnh, truyền hình.

Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ: Phân tích, đánh giá quá trình tiếp nhận phim cải biên chất liệu văn hóa, lịch sử trung đại từ điểm nhìn của người xem đại chúng và các nhà phê bình chính thống; mối quan hệ giữa các đặc trưng ngôn ngữ điện ảnh và kết quả chuyển hóa các tự sự lịch sử thành sản phẩm đa phương tiện (ở những bộ phim đã phát hành).

Sản xuất phim từ chất liệu lịch sử văn hóa trung đại: Bàn luận, chia sẻ những trải nghiệm và suy ngẫm, tranh luận về những phương thức, kinh nghiệm trong việc cải biên câu chuyện quá khứ thành các bộ phim phù hợp với người xem đương đại. Tất cả các khâu của quá trình sản xuất phim như tìm vốn dự án, xây dựng kịch bản chuyển thể, tìm diễn viên, tìm trường quay, trang phục, đạo cụ, ánh sáng, quay phim, dựng phim, âm thanh, cho đến khâu phân phối, phát hành… cần phải được điều chỉnh như thế nào để việc cải biên chất liệu lịch sử - văn hóa được thuận lợi và hiệu quả? Nhà sản xuất, nhà làm phim cần phải cân đối ra sao giữa những đòi hỏi khắc nghiệt của ngành công nghiệp điện ảnh về tính giải trí, tính mới lạ và những tiêu chí thẩm mĩ” khắt khe của công chúng, của nhà quản lí trước các nhân vật, câu chuyện lịch sử được đưa lên màn ảnh?

Trong đó, ThS Nguyễn Thái Hà - tác giả kịch bản phim Em và Trịnh, Số đỏ - nói về ước mơ chuyển thể Chuyện nghiệp oan của Đào Thị (nằm trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) thành kịch bản phim điện ảnh Đào Thị Truyện; TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) trình bày về khả năng làm phim về Đạm Phương nữ sử và Nữ công học hội ở buổi đầu của phong trào nữ quyền; TS Mai Anh Tuấn (Trường ĐH Văn hóa) nói về tái dựng cảnh quan và văn hóa Bắc bộ thời trung đại trong điện ảnh Việt Nam thập niên 2000; đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chia sẻ kinh nghiệm chuyển thể các chất liệu “văn hóa xưa” thành phim điện ảnh – truyền hình; nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh (ĐH Columbia University) trình bày về biến hình của chuyện tình Nguyễn Huệ - Ngọc Hân từ sử sách đến truyền thuyết và văn học nghệ thuật qua cách nhìn sử chí học; GS Earl Jackson (ĐH Châu Á, Đài Loan) trình bày về sự cải biên điện ảnh trong Truyện kể Genji, Xuân HươngTruyện Kiều...

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 26 và 27/11 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định. Sự kiện do ICISE, Hội gặp gỡ Việt Nam, TNA Entertainment, UNESCO, và ĐH Văn Lang đồng tổ chức.

Cũng tại Hội thảo, TNA Entertainment - đơn vị đang thực hiện dự án phim huyền sử She-Kings về các nữ tướng của Hai Bà Trưng - đã ra mắt Bộ sưu tập trang phục Nữ tướng của mình.


Nguồn tham khảo:
TCBC