Tại hội thảo KH&CN phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 25/10/2018, vấn đề giảm bớt chỉ tiêu đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với kết quả nghiên cứu từ các đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia nhằm ứng phó với BĐKH do Bộ TN&MT quản lý và triển khai từ năm 2016 đã được nêu.

Trong báo cáo kết quả triển khai chương trình “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020”, Ban Chủ nhiệm chương trình và các nhà khoa học đã đề nghị được giảm bớt chỉ tiêu này. Trên thực tế, đăng ký bảo hộ SHTT cũng là một trong số yêu cầu của chương trình: 30% kết quả nghiên cứu của các đề tài phải được đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Để được bảo hộ dưới dạng sáng chế, những sản phẩm này phải có đủ 3 tiêu chí: có tính mới; có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp (có thể sản xuất hàng loạt hoặc áp dụng trên quy mô công nghiệp) còn giải pháp hữu ích thì chỉ cần hai tiêu chí: tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp.




Khi đặt ra mục tiêu này, chương trình mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ đem lại mô hình, giải pháp cụ thể và ứng dụng được trong thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề do BĐKH gây ra. Dù đã có 30 đề tài được thực hiện nhưng phần lớn kết quả chỉ là các báo cáo lý thuyết (chỉ có thể bảo hộ dưới dạng quyền tác giả) hoặc phương pháp ứng dụng cho từng địa phương cụ thể (không đạt yêu cầu về khả năng áp dụng trên quy mô công nghiệp) nên không thể đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích; chỉ có khoảng 3 trong số các đề tài này có kết quả là thiết bị hoặc sản phẩm cụ thể.

Trước tình hình trên, các nhà KH đã đề nghị được giảm bớt chi tiêu đăng ký bảo hộ SHTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến khác về sửa đổi cơ chế, chính sách, cụ thể như chính sách đấu thầu trong phân tích mẫu hoặc đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu.