Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định thời gian tới sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.
Sau 3 ngày làm việc, ngày 11/3, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã họp phiên bế mạc, thông qua nghị quyết đại hội với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Trong đó, đáng chú ý, Đại hội xác định 8 chỉ tiêu chính quan trọng. Trong đó, thứ nhất, hằng năm, mỗi cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
Thứ hai, hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 17.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; đến cuối nhiệm kỳ, vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 Hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.
Thứ ba, đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
Thứ tư, hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Thứ năm, đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên; phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn.
Thứ sáu, đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.
Thứ bảy, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương và cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.
Thứ tám, đến cuối nhiệm kỳ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 05 chính sách, đề án; Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh đề xuất thành công ít nhất 01 chính sách, đề án liên quan đến phụ nữ.
Hội nghị năm nay đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 31 ủy viên. Bà Hà Thị Nga tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Bốn Phó Chủ tịch Hội gồm bà Đỗ Thị Thu Thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, bà Tôn Ngọc Hạnh và bà Trần Lan Phương. |