Trong tiến trình đô thị hóa và tham vọng xây dựng những thành phố thông minh, bài toán giao thông chắc chắn luôn là một trong những thách thức lớn nhất đối với tất cả các quốc gia.
Ảnh: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố
Thời gian qua, mặc dù chúng ta đã ghi nhận một tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, uớc đạt 10 – 17% mỗi năm, nhưng điều này vô hình chung cũng gây ra rất nhiều áp lực lên cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện chúng ta còn gặp rất nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, bên cạnh việc kết nối giữa các phương thức vận tải chưa đồng bộ và ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm so với nhu cầu. Với những thách thức trên, theo ông, định hướng ngành GTVT trong thời gian tới là tập trung vào phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa xã hội sâu rộng như đường sắt nội đô, cảng hàng không quốc tế hay đường sắt cao tốc.
Nhu cầu thực tiễn chỉ ra Việt Nam cần khai thác và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong GTVT nếu muốn đi tắt đón đầu, mạnh dạn xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin với thế giới, cũng như liên kết với các lĩnh vực khác của xã hội.
Nhiều chia sẻ về tầm nhìn chiến lược phát triển GTVT thông minh và kinh nghiệm mới cho Việt Nam đã được đưa ra trong buổi hội thảo quốc tế chuyên đề “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” diễn ra vào ngày 23/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, công ty xây dựng công trình cơ sở hạ tầng Tractebel (Pháp) đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án lớn như Tàu điện ngầm tự động Grand Paris Express, Đường sắt cao tốc Miền Đông (LGV East) và Miền Nam (LGV South) nước Pháp. Công ty cũng giới thiệu một số giải pháp tiên tiến giúp triển khai dự án đa chiều bằng mô hình trao đổi thông tin BIM, cách thức quản lý rủi ro dự án và giảm thiểu chi phí cùng nhiều lưu ý về tác động của xây dựng đến nền đất-nước và môi trường tự nhiên. Ngoài ra, Tractebel cũng trao đổi những bài học rất đáng được tham khảo về thiết kế kỹ thuật đường sắt để đạt được sự tích hợp nhịp nhàng của hệ thông trạm tàu-nút giao thông-trục di chuyển.
Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng và nhu cầu để phát triển đường sắt cao tốc. Ông Ismali Himdi, giám đốc phát triển kinh doanh của Tractebel, cho biết “Chúng tôi muốn thông qua Hội thảo này để tìm kiếm những đối tác phù hợp để trao đổi kinh nghiệp, hợp tác phát triển hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam”.
Việc các tập đoàn tư nhân như Tractebel muốn phát triển tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam mở ra nhiều lựa chọn cho đất nước; cho phép chính quyền có các công cụ huy động tài chính để giảm áp lực đầu tư trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, tạo ra các dự án xây dựng có chất lượng và phương thức quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Quan trọng hơn cả, hình thức hợp tác công-tư PPP trong những dự án giao thống lớn sẽ cho phép Việt Nam học tập chuyển giao công nghệ để phục vụ cho tương lai lâu dài.