Thứ trưởng Trần Việt Thanh. Ảnh: Hà Thế An.
Có thể khẳng định rằng, lĩnh vực SHTT trong hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có một luật chơi cao hơn so với việc đàm phán SHTT để VN gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2007. Đây được xem như thách thức rất lớn đối với các DN ở VN. Tuy nhiên, chúng ta cũng có cơ hội để mở cửa thị trường, DN các nước và hàng hóa các nước sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Chúng ta có cơ hội để các DN VN vươn ra thị trường các nước trong nhóm TPP. Nhưng những điều kiện để thực thi quyền SHTT cao hơn. Vì thế, các DN VN sẽ phải hết sức lưu ý đến điều này. Một trong những điều rất cơ bản, việc thực thi quyền SHTT trong thời gian tớiphải chuyển từ cơ chế xử lý hành chính sang việc xử lý bằng hình sự. Điều đó có nghĩa, nếu ai vi phạm vào những điều về bảo hộ quyền SHTT thì rõ ràng, mức độ xử lý sẽ cao hơn rất nhiều so với quy định trong nước hiện nay.
Tôi nghĩ rằng, các DN của chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ những vấn đề về SHTT trong hiệp định TPP. Chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc những điều đã quy định về SHTT. Vì những nước phát triển rất coi trọng quyền SHTT trong rất nhiều lĩnh vực. Về phía VN, hiện nay Chính phủ đang tổ chức rà soát việc sửa đổi những bộ luật như Luật hình sự, luật SHTT và một số bộ luật có liên quan khác để có thể đảm bảo tính tương đồng và tuân thủ các quy định của TPP.
Tại VN hiện nay, do việc thực thi luật SHTT còn khá lỏng lẻo nên người dân có cơ hội được tiếp cận với nhiều sản phẩm về trí tuệ trên thế giới. Ví dụ, các sản phẩm về văn hóa, giải trí, KHCN. Nay với việc gia nhập TPP, người dân sẽ không có cơ hội được tiếp cận với những sản phẩm đó nữa. Song, tôi cho rằng sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN trong nước và nước ngoài thì người dân hoàn toàn có cơ hội được tiếp cận với các sản phẩm trí tuệ tốt hơn.
Một vấn đề được rất nhiều DN quan tâm, một khi quy định về quyền SHTT trong TPP được thực thi, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả các khoản phí để chuyển giao công nghệ. Song, khi chúng ta đã là thành viên của WTO thì VN đã phải thực hiện nghiêm túc về quyền SHTT. Tuy nhiên, trong hiệp định TPP với tiêu chuẩn cao hơn, thì sự chuẩn bị của các DN phải kỹ càng hơn. Về lâu về dài, các DN cần phải chú ý đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đổi mới công nghệ, có những sản phẩm hữu ích và phải sản xuất được những tài sản trí tuệ, tạo nên thương hiệu sản phẩm của mình.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đã tổ chức những chương trình nâng cao năng lực về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Chúng tôi có những chương trình tư vấn, tham mưu, cung cấp thông tin cho các DN có cái nhìn chi tiết về việc thực thi quyền SHTT khi gia nhập TPP. Ngoài ra, Cục SHTT sẽ chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ mẫn cán chuyên môn trong lĩnh vực SHTT một cách bài bản và không luân chuyển cán bộ làm công tác SHTT.