Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội sau khi đọc loạt bài "Sách khoa học Việt Nam: Ốm yếu và bị ghẻ lạnh".

Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Đồng Nai chia sẻ:
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Đồng Nai.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn Quốc hội Đồng Nai.

- Sách là một sản phẩm văn hóa mang tính truyền thống, nhưng trong thời điểm hiện nay có một khủng hoảng về văn hóa đọc. Nhất là hiện nay, chúng ta lại mở ra một chân trời mới rất rộng - đó là công nghệ thông tin, vì thế nhiều người tìm trên mạng nhiều hơn là họ tiếp cận sách.

Đây là một hiên tượng có thể nói rất phổ biến của thời đại ngày nay. Bên cạnh những mặt tích cực của nó về việc tiếp cận khoa học bằng công nghệ thì nó bộc lộ những điều xa rời giá trị cốt lõi của cuốn sách.

Không phải chỉ riêng nước ta mà thế giới cũng vậy, họ cũng đang cố gắng trở lại tập quán đọc sách. Bên cạnh việc chúng ta tiếp tục phát huy tiếp cận công nghệ mới - nhất là đối với các bạn trẻ - thì công nghệ mới thể hiện rõ tính chất hai mặt của nó.

Việc xuất bản sách hiện nay bị chi phối bởi thị trường, mà thị trường thì ngày càng dễ bị lệch lạc. Vì vậy đòi hỏi bản lĩnh của nhà xuất bản dám chấp nhận chuyện đó. Ví dụ, Nhà xuất bản Tri thức đã có những cuốn sách rất hay, bán không chạy nhưng họ vẫn cố gắng vận dụng sự ủng hộ xã hội. Tôi nghĩ rằng Nhà nước phải quan tâm, xã hội phải quan tâm, có sự hỗ trợ, đầu tư thì chính nó lại làmột loại hình sách thu hút mọi người và mang lại hiệu quả kinh tế.

Cho nên tôi cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ. Chính sách rất quan trọng, ví dụ: Sách khoa học kỹ thuật không phải đóng thuế. Thậm chí, Nhà nước cũng có những quỹ hỗ trợ. Bộ Khoa học và Công nghệ có thể dành một mục nào đó quan tâm đến sách khoa học để cho nó phát triển. Nếu đầu tư đúng hướng, đến một lúc nào đó chính sự đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả quay trở lại. Đây là việc nên làm.

Thực tế, nhu cầu sách khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học là có và tôi tin nếu nhận được những ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, chắc chắn sẽ thúc đẩy được dòng sách này vào cuộc sống. Đây cũng là cách dần tạo nếp cho văn hoá đọc. Khi có những cuốn sách hay, bổ ích, hấp dẫn, tôi tin là lượng độc giả sẽ ngày càng nhiều hơn và không có lý gì sách khoa học lại được cho là “ghẻ lạnh” nữa.