Bên cạnh những thuận lợi từ yếu tố thị trường, hệ thống phòng thí nghiệm tại Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trước yêu cầu của thế giới và khu vực.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, hoạt động thí nghiệm (kể cả thử nghiệm, xét nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị…) là một bộ phận không thể thiếu của khoa học, công nghệ và kinh tế. Lĩnh vực hoạt động của thí nghiệm ngày càng được mở rộng như dự đoán động đất, sóng thần, kiểm tra mẫu dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh, quốc phòng…
Với thực tế đó, hiện nay, các phòng thí nghiệm ở nước ta đã có sự phát triển đáng kể so với trước đây. Theo ước tính, chỉ trong vòng một thập kỷ qua, Nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua sắm thiết bị khoa học kỹ thuật tại các phòng thí nghiệm. Đó là chưa kể đến số thiết bị được các công ty tư nhân, tập đoàn nước ngoài đầu tư cho cơ sở của họ trên địa bàn các TP và trong khu công nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch Hội Các phòng thử nghiệm Việt Nam (VINALAB), nếu cách đây khoảng 20 năm, chủng loại và số lượng thiết bị quý hiếm trong phòng thí nghiệm có thể thống kê một cách dễ dàng thì ngày nay thật không dễ để đưa ra con số đầy đủ. Đặc biệt, những thiết bị có giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế cũng đã trở lên phổ biến như hệ thống quang phổ, sắc ký, thiết bị phân tích DNA, thiết bị thụ tinh trong ống nghiệm….
Ngoài các phòng thí nghiệm được đầu tư từ ngân sách nhà nước, một số phòng thí nghiệm thuộc các thành phần kinh tế khác cũng được hình thành như phòng thí nghiệm của các trường ĐH – CĐ, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm tư nhân, phòng thí nghiệm có vốn đầu tư nước ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, một số trung tâm thí nghiệm lớn như Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP.HCM, Trung tâm kỹ thuật 3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng… đã áp dụng các hệ thống quản lý theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17025, GLP….
TS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong xu thế hội nhập về hàng hóa, các doanh nghiệp cũng bắt buộc phải lao theo cuộc chơi, tự “trang bị” cho sản phẩm của mình những tiêu chuẩn, quy định của thế giới.
Trong đó, việc làm sao chỉ phải kiểm tra hàng hóa trong một lần, cấp một cái chứng chỉ và được công nhận trên toàn thế giới không chỉ giúp các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu, mà còn nhanh chóng lưu thông hàng hóa, tạo ưu thế cạnh tranh.
Muốn làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự hợp tác với hoạt động kiểm tra, thử nghiệm. Đây chính là một thuận lợi vô cùng lớn về thị trường để cho các phòng thí nghiệm tại Việt Nam có thể phát triển một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng cho rằng, nếu muốn tận dụng được thị trường trong nước, đòi hỏi các phòng thí nghiệm của Việt Nam phải có sự thống nhất về phương pháp kiểm định, trang thiết bị và đào tạo tay nghề theo những tiêu chuẩn chung của thế giới và khu vực. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa những tổ chức, phòng thí nghiệm quốc tế và Việt Nam nhằm xây dựng và đáp ứng được những tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh phí. Theo TS. Thiện, do điều kiện của đất nước, số tiền đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm ở nước ta còn khá thấp so với mặt bằng chung của quốc tế. Điều này dẫn đến việc không phải phòng thí nghiệm nào cũng có đầy đủ máy móc, thiết bị để đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, nhiều phòng thí nghiệm vẫn hoạt động một cách cầm chừng, không có định hướng, mục tiêu cụ thể.
Một khó khăn khác cũng cần phải quan tâm, đó là việc ngoại trừ vài thiết bị đơn giản được sản xuất trong nước, hầu hết máy móc trong phòng thí nghiệm đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này đã làm tiêu tốn của chúng ta hàng trăm triệu USD mỗi năm. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các thiết bị cho phòng thí nghiệm được coi như một mục tiêu cần hướng tới trong việc phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong thời gian tới.
Việc Nhà nước và Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành cơ chế tự chủ về tài chính cho các phòng thí nghiệm được coi như một bước đi đúng đắn. Trong đó, vừa giúp Nhà nước giảm bớt gắng nặng về kinh tế, vừa tạo điều kiện cho các phòng thí nghiệm có thể tự đổi mới mình, đầu tư, phát triển theo xu hướng của thị trường để hướng ra thị trường quốc tế.