Diễn ra trong bốn ngày tại TPHCM, cuộc thi hackathon ra đầu bài: "Làm thế nào để vừa tạo nên doanh nghiệp với sức mạnh đột phá, vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua nông nghiệp?".

Các đội thi Hacktivator 2022 | Ảnh: RMIT
Các đội thi Hacktivator 2022 | Ảnh: RMIT

Khái niệm “nông nghiệp tái sinh” bao hàm các phương thức canh tác giúp giảm lượng CO2 trong khí quyển, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong tương lai, và phục hồi sức khỏe của hành tinh nhờ việc nuôi dưỡng các loài động thực vật khỏe mạnh hơn.

Nông nghiệp tái sinh được kì vọng sẽ thay thế nhiều kỹ thuật nông nghiệp đại trà hiện nay như đơn canh, lạm dụng hóa chất và cày xới sâu.

Nhằm tìm kiếm những ý tưởng giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua nông nghiệp sinh thái, đồng thời mang đến cho sinh viên các trường đại học cơ hội trải nghiệm khởi nghiệp, Chương trình thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp của Đại học RMIT (RMIT Activator) đã tổ chức Cuộc thi Hacktivator 2022 trong 4 ngày. Trong đó, 3 ngày đầu từ 13-16/5, các nhóm tham gia được tự do đưa ra các giải pháp và xây dựng các phương án thực hiện khả thi. Các đội kết thúc bằng thi thuyết trình trước hội đồng giám khảo vào ngày 21/5.

Trong số 7 đội vào vòng chung kết, đội thắng cuộc Borlaug's Dream Farms (“Trang trại mơ ước của Borlaug”, đặt theo tên nhà nông học người Mỹ nổi tiếng Norman Borlaug), đưa ra ý tưởng tinh chế rơm rạ với sâu bột vàng và ruồi lính đen để sản xuất phân bón, thức ăn đạm cho gia súc và dầu diesel sinh học.

Hai thành viên của đội, gồm một cựu sinh viên Đại học RMIT Việt Nam và một sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết đã có cơ hội gặp gỡ những người đổi mới sáng tạo cùng chí hướng và mở rộng mạng lưới kết nối.

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của các diễn giả khách mời, giám khảo và cố vấn đến từ quỹ đầu tư cho các dự án thay đổi môi trường như Xylem Capital (Mỹ), hệ thống phân phối thực phẩm Organica (Việt Nam), nền tảng giao hàng RappiPrime (Nam Mỹ), công ty cung cấp sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần EQUO (Việt Nam), quỹ đầu tư tạo tác động Phitrust Asia (Pháp), công ty nông nghiệp Orlar Việt Nam, Tổ chức phát triển Hà Lan SNV, và Hiệp hội Thụy Sĩ vì sự hợp tác quốc tế tại Việt Nam (Helvetas Việt Nam).

Trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi Hacktivator, các đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp luôn kết nối theo thời gian thực để tư vấn và hướng dẫn thí sinh. Ban tổ chức cho biết đây là một cách để các đối tác doanh nghiệp tìm thấy những ý tưởng lớn trong một môi trường giả lập lý tưởng, đồng thời khơi dậy hành trình khởi nghiệp suốt đời ở các bạn sinh viên.