Việc phổ biến Luật Tiếp cận thông tin đang được các cơ quan nhà nước tiến hành dưới nhiều hình thức đa dạng, trong đó có tờ rơi, tờ gấp.
Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng như các trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin theo yêu cầu, và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho người dân và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật đã được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1/7/ 2018.
Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam để xây dựng các tờ rơi, tờ gấp nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức của người dân về quyền tiếp cân thông tin.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, đây sẽ là tài liệu dùng chung cho nhiều cơ quan nhà nước khác, đặc biệt ở vùng miền núi, hải đảo… để góp phần giúp người dân hiểu rõ và thực hiện được tốt quyền của mình hơn.
Ngày 24/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu tờ rơi, tờ gấp tìm hiểu Luật Tiếp cận thông tin” nhằm lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan báo chí, viện nghiên cứu, đoàn thể để hoàn thiện tài liệu.
Trước đó, cuối tháng 11/2018, một hội thảo tương tự cũng đã diễn ra, sau khi tiếp thu góp ý của các đại biểu, từ 6 loại tờ rơi cho 6 đối tượng Bộ Tư pháp đã rút xuống còn 2 loại là tờ rơi dành cho các đối tượng (công dân nói chung) và tờ rơi dành cho trẻ em.
Mỗi tờ rơi, tờ gấp có các nội dung về người có quyền tiếp cận thông tin; thông tin được tiếp cận; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; thông tin công dân được tiếp cận, tiếp cận có điều kiện và không được tiếp cận; trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin; thời hạn cung cấp thông tin theo yêu cầu…
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, những tờ gấp này được thiết kế như một cuốn luật thu nhỏ, để cho những người không đọc toàn văn Luật TCTT cũng có thể nắm bắt được những điều cơ bản nhất.
Trên tinh thần đó, hội thảo lần 2 đã được rất nhiều ý kiến tích cực. Đối với tờ gấp dành cho trẻ em, phần lớn đại biểu cho rằng ấn phẩm này vẫn quá nhiều chữ, mang tính chất “hàn lâm” và được thiết kế từ góc độ của người tiếp cận luật chứ chưa thể hiện được tính chất “đặt trẻ em là đối tượng trung tâm”.
Theo các chuyên gia từ UNDP và Hội Bảo vệ quyền trẻ em, tờ rơi trẻ em cần phải tạo sự tò mò khám phá và dễ hiểu cho trẻ em, bởi vậy nên đơn giản hóa các ngôn ngữ sử dụng, sử dụng hình vẽ truyền tải thay thế các nội dung chữ, có thể theo kiểu Sketchnote hoặc dạng hỏi đáp như truyện tranh giữa một trẻ em và người hướng dẫn để thông điệp truyền tải dễ hiểu dễ nhớ hơn.
Đối với tờ rơi dành cho các đối tượng công dân nói chung, các đại biểu cũng cho rằng tờ gấp hiện đang dùng ngôn ngữ trích xuất từ văn bản luật với mục đích phổ biến kiến thức, bởi vậy chưa thực sự tiếp cận từ góc nhìn nhu cầu của công dân.
Theo góp ý từ phía các đơn vị truyền thông và cơ quan báo chí, tờ rơi này nên được thể hiện dưới dạng từ khóa và quy trình, giảm bớt sự dày đặc của từ ngữ.
Một vài gợi ý từ phía đại diện người H’Mông của Ủy ban Dân tộc chỉ ra rằng đối với đồng bào thiểu số thì sự đơn giản là hiệu quả nhất: họ muốn biết mình có quyền gì, nếu cần tiếp cận thông tin thì sẽ đến đâu, theo địa chỉ liên lạc nào, hoặc nếu có cách tiếp cận khác thì thông qua ai.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, đại diện Bộ Tư pháp thông báo sẽ xem xét và chỉnh sửa thêm các tờ rơi, tờ gấp về Luật TCTT và hi vọng sẽ có bản chỉnh sửa hoàn thiện vào cuối tháng 1/2019 để sẵn sàng phổ biến cho cộng đồng dưới dạng bản in và bản mềm.
Dự kiến, tờ rơi sẽ có cả phiên bản Tiếng Anh và chữ nổi cho người nước ngoài và người khiếm thị.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Catherine Phương, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Thúc đẩy thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận Thông tin và quyền tiếp cận thông tin của công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đóng góp hiệu quả cho những nỗ lực phòng chống tham nhũng và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”.