Sau những động thái tích cực đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, các vấn đề về mở dữ liệu Chính phủ đã được đưa ra thảo luận rất nhiều. Mở dữ liệu Chính phủ sẽ đem lại những lợi ích gì? Cần chú ý tới những yếu tố nào? Đây đều là những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp trước khi thực hiện quá trình mở dữ liệu của khu vực công.

Lợi ích của ‘dữ liệu mở’ và ‘mở dữ liệu chính phủ’

Dữ liệu mở (open data) là một khái niệm rộng, hàm ý chỉ khả năng tiếp cận dữ liệu thuộc cả các khu vực công (dữ liệu do các cơ quan Nhà nước thu thập, lưu trữ, quản lý) và khu vực tư ( dữ liệu do các doanh nghiệp, tổ chức, các đơn vị nghiên cứu tư nhân, cá nhân độc lập tạo ra và sử dụng). Tuy nhiên, xu hướng thế giới hiện nay vẫn tập trung vào việc mở dữ liệu của khu vực công trước tiên, do tính hệ thống cũng như những lợi ích từ dữ liệu công. Vậy những lợi ích chính có thể kể đến là gì?

Báo cáo nghiên cứu chính thức về dữ liệu mở năm 2013 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( OECD) chỉ ra hai lợi ích lớn nhất của hoạt động mở dữ liệu Chính phủ bao gồm thúc đẩy sáng tạo phát triển kinh tế số và tăng tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ.

Ở khía cạnh kinh tế, lợi ích được nhìn thấy rất rõ ràng khi các chủ thể thuộc khu vực tư nhân như các doanh nghiệp, các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu có thể tiếp cận được các dữ liệu do các cơ quan Nhà nước thu thập, nắm giữ. Thông tin dữ liệu do Nhà nước thu thập, lưu trữ thường có tính hệ thống rất cao do được thu thập từ hệ thống các cơ quan chuyên môn hóa với nhân lực và nguồn vốn lớn. Mức độ và quy mô dữ liệu thường đa dạng hơn rất nhiều so với hoạt động thu thập dữ liệu đơn lẻ của các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân.

Nếu Chính phủ cho phép khu vực tư nhân tiếp cận hệ thống dữ liệu này, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ có khả năng ứng dụng công nghệ để sáng tạo ra các chương trình đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông…Hoạt động này vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ, vừa kích thích sự ra đời của các sản phẩm ứng dụng công nghệ, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của đời sống xã hội.

Có rất nhiều hệ thống dữ liệu của Chính phủ có thể mở và tạo ra giá trị, điển hình có thể kể tới các dữ liệu về giao thông, thời tiết, tài chính công hoặc chính sách. Một vài ví dụ về việc khai thác dữ liệu công về giao thông có thể kể tới trường hợp của Anh và EU.

Tổng đài 1022 của thành phố Đà Nẵng là một cổng thông tin cho phép tất cả mọi người có thể tìm kiếm, tra cứu,…các văn bản, quy định và một số dữ liệu của thành phố và cũng là nơi lắng nghe và phản hồi góp ý của người dân. Nguồn: ICT Đà Nẵng

Tại Anh, dữ liệu mở trong lĩnh vực giao thông ở Anh đem lại lợi nhuận 100 tỉ bảng mỗi năm. Độ tiếp cận của người dân khi mở dữ liệu về giao thông ở Anh là rất cao: Hơn 5000 người đăng ký sử dụng dữ liệu trên trang TfL (là trang dữ liệu giao thông mở của thành phố London), 362 ứng dụng di động đã được phát triển từ dữ liệu mở về giao thông, tổng số người sử dụng các ứng dụng đạt 4 triệu người , lượng hóa giá trị thời gian mà người dùng đã tiết kiệm được khi sử dụng những dữ liệu này qua các ứng dụng trên từ năm 2012 là15 đến 18 triệu bảng Anh.

Trong khi đó, tại EU, việc mở dữ liệu giao thông tại châu Âu, ước tính đến năm 2020, sẽ giúp thị trường dữ liệu trong khu vực giao thương ở 28 nước EU đạt lợi nhuận 37.629 triệu euro (tính cả lợi nhuận trực tiếp và gián tiếp mà ngành dữ liệu mang lại cho ngành giao thương); cứu sống 1425 mạng người mỗi năm (tương đương 5,5% số ca tử vong do tai nạn giao thông ở châu Âu), và tiết kiệm 629 triệu giờ chờ đợi cho các công dân EU, mà trong đó, chi phí của việc ùn tắc giao thông đáng giá 1% GDP mỗi năm.

Đây chỉ là các số liệu liên quan đến một hệ thống dữ liệu do Chính phủ nắm giữ, chưa kể đến rất nhiều hệ thống dữ liệu quan trọng khác.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, mở dữ liệu Chính phủ giúp làm tăng tính minh bạch trong các hoạt động của Chính phủ, tăng cường khả năng giám sát Chính phủ của khu vực tư nhân. Mở dữ liệu Chính phủ đòi hỏi các cơ quan thuộc Chính phủ phải tăng cường liên kết nhằm cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu, đặc biệt là thông qua con đường điện tử. Điều này giúp làm giảm các chi phí trao đổi giấy tờ bằng hồ sơ giấy. Đồng thời, việc cho phép khu vực tư nhân tiếp cận với dữ liệu Chính phủ giúp khu vực tư nhân có khả năng kiểm tra tính xác thực của chính các thông tin, dữ liệu được Chính phủ thu thập, thông báo phản hồi nếu có sai sót và bổ sung nếu còn hạn chế. Thông qua hoạt động này, tương tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cũng tăng lên, làm tăng hiệu quả quản lý hành chính.

Những thách thức pháp lý khi mở dữ liệu Chính phủ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, ngay sau những động thái tích cực đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, các vấn đề về mở dữ liệu Chính phủ đã được đưa ra thảo luận rất nhiều. Mở dữ liệu Chính phủ sẽ đem lại những lợi ích gì? Và muốn mở được dữ liệu của Chính phủ thì cần chú ý tới những yếu tố nào? Đây đều là những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp trước khi thực hiện quá trình mở dữ liệu của khu vực công.

Do dữ liệu mở vẫn còn là một vấn đề rất mới tại Việt Nam nên để có thể mở được dữ liệu Chính phủ thì chính sách liên quan đến dữ liệu mở cần được xây dựng cụ thể, có lộ trình theo từng giai đoạn và có mục tiêu rõ ràng. Trước hết, các tiêu chí pháp lý cần được chú ý để tạo tiền đề mở dữ liệu Chính phủ phải quan tâm gồm: pháp luật về tiếp cận thông tin, pháp luật về dữ liệu mở, pháp luật về bảo mật thông tin, dữ liệu và pháp luật về quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu.

Quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa bằng Luật tiếp cận thông tin 2015. Bên cạnh đó, tính đến tháng 3/2018, đã có 40 văn bản Luật chuyên ngành và Nghị định hướng dẫn có các điều khoản quy định về việc công bố, công khai các thông tin, dữ liệu do các cơ quan quản lý thu thập, quản lý.

Mặt khác, trong tiến trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được Thủ tướng ưu tiên triển khai xây dựng, bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia Thống kê tổng hợp về dân số, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là những trụ cột đầu tiên để có thể tiến đến xây dựng các quy định về mở dữ liệu Chính phủ.


Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao có Luật tiếp cận thông tin nhưng vẫn cần xây dựng pháp luật riêng về dữ liệu mở? Cho phép công dân tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước có đồng nghĩa với mở dữ liệu công hay không? Cần làm rõ rằng, tiếp cận thông tin và mở dữ liệu công là hai hoạt động khác nhau. Trước hết, tiếp cận thông tin được xây dựng trên quyền tiếp cận thông tin của công dân. Đây là một quyền cơ bản của công dân, có nguồn gốc từ quyền con người, được xác định từ lâu trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948, và được Việt Nam ghi nhận qua hai bản Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.

Luật tiếp cận thông tin 2015 đã cụ thể hóa quyền này. Mục tiêu của quyền tiếp cận thông tin là trao cho công dân khả năng biết được thông tin thông qua hoạt động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho mình, và buộc các cơ quan nhà nước tăng cường trách nhiệm trong việc đảm bảo công dân tiếp cận được thông tin. Trong khi đó, mở dữ liệu Chính phủ có phạm vi hẹp hơn. Mở dữ liệu Chính phủ hướng đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, tại đó, thông tin, dữ liệu được luân chuyển và luôn tiếp cận được mà không cần phải thông qua yêu cầu. Đặc biệt, mở dữ liệu chính phủ hướng đến việc thúc đẩy khai thác giá trị kinh tế, hoặc các hoạt động sáng tạo thông qua hoạt động tái sử dụng dữ liệu của Chính phủ chứ không chỉ đơn thuần là biết đến các thông tin, dữ liệu đó. Đây là những khác biệt cơ bản về cách tiếp cận để phân biệt và xây dựng pháp luật có liên quan.

Pháp luật về tiếp cận thông tin đóng vai trò rất quan trọng, sẽ là xương sống để xây dựng pháp luật về dữ liệu mở. Tuy nhiên, không chỉ là pháp luật về quyền tiếp cận không tin và quy định cụ thể về mở dữ liệu, pháp luật về bảo mật thông tin, dữ liệu và pháp luật về quyền tác giả cũng rất cần điều chỉnh phù hợp nếu Việt Nam mở dữ liệu Chính phủ.

Các quy định về bảo mật thông tin, dữ liệu hiện nay đang nằm rải rác ở rất nhiều các văn bản khác nhau, nhưng điển hình nhất có thể kể đến Luật An toàn thông tin mạng 2015. Khi mở dữ liệu Chính phủ, vấn đề bảo mật sẽ phức tạp hơn rất nhiều do có sự tham gia của rất nhiều chủ thể trong quá trình chuyển dịch và cập nhật thông tin, dữ liệu. 1/1/2019, Luật An ninh mạng 2018 sẽ có hiệu lực, đặt ra thêm các vấn đề khác về các điều kiện an ninh mạng phải đáp ứng để mở được dữ liệu Chính phủ. Đây sẽ là vấn đề khó cho Chính phủ khi quyết định về lộ trình mở dữ liệu nếu thực hiện.

Các vấn đề xung quanh quyền tác giả khi mở dữ liệu cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thu phí hoặc không thu phí sử dụng dữ liệu mở. Nếu các thông tin, dữ liệu đơn thuần được đưa lên và xuất hiện ngẫu nhiên thì tùy vào loại dữ liệu, khu vực tư nhân có thể dùng miễn phí. Tuy nhiên, khi các thông tin được sắp xếp theo một trình tự nhất định, dựa trên các đầu mục nội dung nhất định, thì đã có các yếu tố sáng tạo sản phẩm mới.

Lúc này, các cơ quan quản lý sẽ có căn cứ để yêu cầu thu phí sử dụng vì có quyền tác giả với sản phẩm của mình. Điều này vô hình trung có thể làm giảm khả năng tiếp cận và tái sử dụng dữ liệu của từng nhóm đối tượng tùy thuộc vào khả năng kinh tế, đi ngược lại với mục đích ban đầu của việc mở dữ liệu Chính phủ.

Bên cạnh các vấn đề pháp lý, vẫn còn rất nhiều các vấn đề khác Chính phủ cần cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch mở dữ liệu Chính phủ, như các vấn đề về tài chính, nguồn lực, công nghệ và các rủi ro về an ninh quốc gia có thể gặp phải. Không thể phủ nhận giá trị có thể tạo ra từ hoạt động này, nhưng với bối cảnh kinh tế - xã hội – chính trị hiện nay, thì một lộ trình từng bước với các mục tiêu rõ ràng và một sự chuẩn bị đầy đủ về tất cả các điều kiện cần thiết sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất các ưu thế của xu hướng mở dữ liệu khu vực công.