Ba công trình đạt giải (hai giải chính, một giải trẻ) đều là các nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín, nhà khoa học được đề cử là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình.

Ba nhà khoa học PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (trường Đại học Y Dược TPHCM), PGS. TS Phạm Tiến Sơn (trường ĐH Đà Lạt) và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (trường ĐH Tôn Đức Thắng) đã trở thành những gương mặt xuất sắc giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020. Với kết quả này, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan sẽ trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng, sau PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương).

Đây là kết quả được Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu do GS. TS Ngô Việt Trung làm chủ tịch Hội đồng, lựa chọn trên cơ sở 8 hồ sơ lọt vào chung kết trong phiên họp ngày 29/4/2020. Tất cả các hồ sơ này đều trải qua một quá trình sàng lọc, đánh giá một cách nghiêm cẩn và khách quan, bắt đầu từ hội đồng khoa học chuyên ngành Quỹ Nafosted đến phản biện độc lập từ bên ngoài (ít nhất mỗi công trình ba phản biện độc lập). Dù ở giải chính hay giải trẻ thì ba công trình này (hai giải chính, một giải trẻ) đều đáp ứng yêu cầu của những tiêu chí cơ bản: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.

Ba nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 từ trái qua phải: PGS. TS Phạm Tiến Sơn, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (giải chính) và TS. Nguyễn Trương Hải Hiếu (giải trẻ).

Công trình xuất bản trên tạp chí top 3 thế giới

Công trình của PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” được xuất bản trên The New England Journal of Medicine, một trong ba tạp chí hàng đầu ngành y (Cell, The Lancet và The New England Journal of Medicine). Nghiên cứu này xác định ra: đối với phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, việc chuyển phôi đông lạnh không làm tăng có ý nghĩa tỉ lệ thai diễn tiến hay tỉ lệ sinh sống so với chuyển phôi tươi”.

Không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt học thuật, công trình này còn có giá trị ở chỗ “góp phần làm vào thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Ước tính ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh. Việc trả lời câu hỏi khi nào thực hiện kiểu chuyển phôi nào giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân”, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.

Điều đáng chú ý là vấn đề nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những vấn đề nóng trong lĩnh vực y học sinh sản. Trên thế giới, có khoảng 10 nhóm nghiên cứu ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch, Hồng Kông,… đều thực hiện cùng lúc việc nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, gồm các nhà nghiên cứu trẻ ở trường đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Mỹ Đức (TPHCM), đã cùng một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc hoàn thành trước. Do đó, The New England Journal of Medicine đã quyết định đăng tải kết quả của cả hai công trình nghiên cứu này trong cùng một số báo.

Với kết quả này, PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan đã trở thành nhà khoa học nữ thứ hai và cũng là đại diện thứ hai của ngành y sinh được vinh danh trong giải thưởng sáng giá nhất của khoa học Việt Nam.

Nêu tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số

PGS.TS. Phạm Tiến Sơn (trường Đại học Đà Lạt), tác giả của công trình “Generic properties for semialgebraic programs” xuất bản trên tạp chí SIAM Journal on Optimization, đã trở thành nhà toán học thứ năm giành giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Khi thực hiện công trình này, PGS. TS Phạm Tiến Sơn đã tập trung vào bài toán tối ưu nửa đại số: tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số - một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó. Anh đã giải quyết được vấn đề ở cả khía cạnh lý thuyết và ứng dụng. Trong đó về lý thuyết, anh đã chứng minh được ba vấn đề quan trọng là “hạn chế của hàm Morse và coercive là hạn chế của hàm mục tiêu trên tập ràng buộc; tồn tại duy nhất nghiệm tối ưu thỏa mãn các điều kiện đủ bậc hai, bù chặt, cấp tăng bậc hai và cận lỗi Hölder toàn cục; với mọi nhiễu tuyến tính (đủ nhỏ) hàm mục tiêu, nghiệm tối ưu (duy nhất) và giá trị tối ưu của bài toán nhiễu phụ thuộc giải tích vào tham số” và về ứng dụng “chứng tỏ nghiệm tối ưu của hầu hết các bài toán tối ưu đa thức hoàn toàn được xác định bằng cách giải một số hữu hạn các bài toán quy hoạch nửa xác định”, PGS. TS Phạm Tiến Sơn giải thích.

Không chỉ có vậy, công trình này còn chỉ ra, “hầu hết các bài toán trong lớp các bài toán tối ưu nửa đại số đều có các tính chất sau: hạn chế của hàm mục tiêu trên tập ràng buộc có tính bức và tính chính quy tại vô hạn; bài toán có duy nhất nghiệm; nghiệm này thuộc một đa tạp tích cực duy nhất mà tại đó điều kiện bù chặt, các điều kiện đủ bậc hai, điều kiện tăng trưởng bậc hai và cận lỗi Hölder toàn cục đúng; mọi dãy cực tiểu đều hội tụ”. Điều đó có nghĩa là, những giả thiết quan trọng trong tối ưu đều đúng với hầu hết các bài toán Tối ưu nửa đại số.

Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization (Hà Huy Vui và Phạm Tiến Sơn) nằm trong chuỗi các ấn phẩm về chủ đề Tối ưu và Ứng dụng của NXB World Scientific do giáo sư Jean Bernard Lasserre (Tổng biên tập của chuỗi ấn phẩm) đề nghị viết. Nội dung sách dựa trên hầu hết các công trình chung của GS Hà Huy Vui và PGS. TS Phạm Tiến Sơn.

Tính chất của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu

Sau nhiều năm không có giải trẻ, năm 2020 đánh dấu sự xuất hiện của TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (trường đại học Tôn Đức Thắng), tác giả duy nhất của công trình "Low-energy electron inelastic mean free path in materials" xuất bản trên Applied Physics Letters. Với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 10 năm qua về tán xạ điện tử, một chủ đề rất rộng và còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn, TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã đi tìm lời giải trong bài toán xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu, vốn còn chưa được xác quyết một cách chính xác do độ bất định lớn và không đáng tin cậy của các phương pháp hiện hành. Anh đã xác định quãng đường này trong hệ hình thức điện môi, nhưng tính hàm mất năng lượng bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ phụ thuộc thời gian, đây là một phương pháp ab initio (theo nguyên lý đầu) có độ chính xác cao.

Sau đó, TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã chứng minh được tính tổng quát của phương pháp trên 10 loại chất rắn khác nhau, một kết quả mà theo anh, đã thuyết phục được các nhà bình duyệt của Applied Physics Letters. Một nhà vật lý nhận xét, công trình của Thanh Hiếu đã chứng minh được giá trị của mình khi có tới 12 trích dẫn, trong đó có cả trích dẫn từ những nghiên cứu trên các tạp chí uy tín như Nature Communications, Physical Review B, Carbon, The Journal of Physical Chemistry C, Physical Review E, Nanotechnology, Ultramicroscopy.

Sự xuất sắc của ba công trình, ba nhà khoa học khiến giáo sư Ngô Việt Trung đã không khỏi vui mừng cho biết: “Là người tham dự vào Hội đồng giải thưởng nhiều năm, tôi thấy rằng các giải thưởng đều được trao cho những người thực sự xuất sắc, không chỉ thể hiện ở công trình đạt giải mà kể cả thành tích nghiên cứu trong suốt quá trình làm khoa học. Nhìn chung, những người đoạt giải đều có quá trình làm nghiên cứu rất tốt và có ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học lớn. Do đó, mọi người đều coi giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng giá trị nhất đối với người làm nghiên cứu khoa học Việt Nam”.