Do tác động của đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Số liệu này đã được Tổng cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020, được tổ chức vào sáng ngày 29/6/2020.
Nếu như tốc độ tăng GDP nửa đầu của các năm trong giai đoạn 2011-2020 đều tăng trưởng trong khoảng 4% - 7% thì tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ đạt 1,81%, trong đó quý II chỉ ở mức 0,36%. Theo ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, nếu tính từ năm 1991, đây là năm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp kỷ lục, thậm chí thấp hơn cả kịch bản thấp nhất đã dự đoán. Do đó, ông nhận định, rất khó để có thể được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8% như Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn thế giới đều đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thất nghiệp tăng cao, nhiều tổ chức quốc tế như IMF, OECD đưa ra dự báo về tăng trưởng âm của nền kinh tế thế giới, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương dù thấp “vẫn có thể được coi là một điểm sáng so với quốc tế”, ông Dương Mạnh Hùng đánh giá.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Đại diện Tổng cục Thống kê công bố các số liệu kinh tế-xã hội tại buổi họp báo
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Thống kê - nhận định, dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt việc phòng chống và dập dịch là ưu tiên hàng đầu, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, tuy nhiên, đây cũng chính là nền tảng để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).
Còn lại, nhiều chỉ số khác thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 2,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%; vận tải hành khách giảm 27,3%; vận tải hàng hóa giảm 8,1%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 2,71% - mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, v.v.
Tuy nhiên, trong Báo cáo, Tổng cục Thống kê cũng nhận định rằng do dịch bệnh sớm được kiểm soát nên các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5/2020.
Sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục. Ví dụ, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 là 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.
Ngành Nông nghiệp cũng đã có những giải pháp ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi nên kết quả sản xuất đạt khá, năng suất lúa vụ đông xuân 2020 tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp bắt đầu hồi phục từ tháng Năm. Tuy nhiên, sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.