Đó là kết quả từ cuộc điều tra quốc gia đầu tiên tại Việt Nam về việc phân bổ thời gian hằng ngày giữa nữ và nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với tài trợ của Đại sứ quán Úc.
Một phụ nữ ở An Giang. Ảnh: Mỹ Hạnh
Dự án Khảo sát sử dụng thời gian ở Việt Nam năm 2022 được triển khai với hai mục tiêu: đóng góp vào dữ liệu sử dụng thời gian theo giới tại Việt Nam; và cung cấp các chỉ số đo lường gánh nặng và sự khác biệt về thời gian dành cho các công việc nội trợ không được trả lương, chẳng hạn như công việc gia đình, chăm sóc người già và trẻ em, theo giới tính, thành thị, dân tộc.
Để thực hiện khảo sát, dự án đã phỏng vấn 6.000 người thuộc mọi dân tộc, ngành nghề và mức thu nhập ở 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, gồm miền Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về việc phân bổ thời gian cho công việc trả lương và không trả lương giữa hai giới.
Cụ thể, hầu hết nữ giới phải dành thời gian hằng ngày cho việc nhà, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 55%. Đáng chú ý, mỗi ngày nữ giới phải dành nhiều thời gian hơn (3 giờ) so với nam giới (1 giờ 42 phút) để làm việc nhà.
Ngoài ra, 45% nữ giới tham gia công việc chăm sóc gia đình, trong khi chỉ có 24% nam giới tham gia. Đặc biệt, trung bình gần 1/3 số phụ nữ được khảo sát không có thời gian giải trí trong ngày.
Mỹ Hạnh