Sinh viên của hai bên có thể tham gia chương trình trao đổi trong 1-2 học kỳ, và các tín chỉ tích lũy trong thời gian này sẽ được công nhận khi trở về nước.
Sáng 10/12, ĐH Quốc gia Seoul (SNU) và ĐH Quốc gia TPHCM đã ký bản ghi nhớ hợp tác, được phát triển trên cơ sở bản ghi nhớ về đối tác chiến lược đã ký vào năm 2019.
Cụ thể, hai bên sẽ phát triển chương trình đào tạo song bằng. Sinh viên của SNU và ĐH Quốc gia TPHCM có thể tham gia chương trình trao đổi trong 1-2 học kỳ, và các tín chỉ tích lũy trong thời gian này sẽ được công nhận khi trở về nước.
Ngoài ra, SNU hỗ trợ ĐH Quốc gia TPHCM trong đào tạo tiến sĩ cho các giảng viên, nhà nghiên cứu đã đạt trình độ thạc sĩ của ĐH Quốc gia TPHCM. Cuối cùng, trong thời gian tới, hai đại học sẽ lên kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật.
Tại lễ ký kết, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng đề nghị SNU phát triển chương trình học bổng dành cho các sinh viên tài năng của mình và hỗ trợ cơ sở này tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đáp lại, TS Oh Se-jung, Hiệu trưởng SNU, thống nhất rằng hai bên sẽ đồng tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trong năm 2023.
Sắp tới, hai bên sẽ phối hợp thành lập bộ phận chuyên trách để xây dựng kế hoạch triển khai và quy trình cụ thể cho chương trình hợp tác.
Trước đó, ĐH Quốc gia TPHCM và SNU đã có nhiều hợp tác về nghiên cứu và đào tạo. Tháng Tư năm nay, hai bên đã triển khai dự án "Tăng cường giáo dục đại học ngành nông nghiệp tại ĐH Quốc gia TPHCM". Với nguồn vốn 9,09 triệu USD do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ không hoàn lại, Dự án hướng đến phát triển nhân lực trình độ cao ngành nông nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu cùng những thay đổi của xã hội.
Thành lập cơ sở liên kết?
SNU được thành lập vào năm 1946, là đại học quốc gia đầu tiên tại Hàn Quốc. Đây là một trong các đại học hàng đầu tại châu Á và thuộc Top 50 đại học tốt nhất thế giới (theo bảng xếp hạng QS 2023).
Việc phối hợp đào tạo song bằng với ĐH Quốc gia TPHCM có thể là bước quan trọng để SNU tiến đến thảo luận về kế hoạch thành lập cơ sở liên kết; bởi theo tờ The Korea Economic Daily (Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc), SNU gần đây đã công bố kế hoạch phát triển tầm nhìn trung và dài hạn, trong đó bao gồm dự định hợp tác với ĐH Quốc gia TPHCM để thành lập một cơ sở liên kết tại TPHCM trong tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ JoongAng Daily cách đây 2 tháng, TS. Oh Se-jung cho biết một phần trong kế hoạch trung và dài hạn này của SNU là thu hút những sinh viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới theo học tại trường. Nhà trường đang thảo luận về ý tưởng sinh viên Việt Nam sẽ hoàn thành chương trình đại học tại cơ sở liên kết, sau đó tiếp tục sang Hàn để học cao học tại SNU. “Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian dài để làm được điều đó, có lẽ là 10 năm”, ông dự đoán.
Nếu kế hoạch thành công, cơ sở liên kết tại TPHCM sẽ trở thành cơ sở đại học chính thức ở nước ngoài đầu tiên của SNU. Sau khi cơ sở tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, SNU sẽ tiếp tục lên kế hoạch thành lập các trường đại học liên kết ở những khu vực khác, khả năng cao là ở Đông Nam Á và Trung Á.
TS. Oh Se-jung cho biết SNU đang cấp nhiều loại học bổng khác nhau cho sinh viên quốc tế. Đáng chú ý, thông qua Chương trình Học bổng SNU President Fellowship, "chúng tôi mời giảng viên các trường đại học lớn ở các nước đang phát triển của châu Á đến học tiến sĩ tại trường của chúng tôi", ông chia sẻ.
Đây là vài trong số những phương án sáng tạo mà các trường đại học tại Hàn Quốc đang thực hiện để thu hút sinh viên cao học trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên tại nước này đang giảm mạnh. SNU dự báo đến năm 2030, số lượng sinh viên Hàn Quốc học lên cao học sẽ vô cùng ít ỏi. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số trong độ tuổi sinh viên của Hàn Quốc được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống còn 1,87 triệu vào năm 2030 so với 2,26 triệu vào năm ngoái.
Nguồn: