Để sớm tái khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) theo đề nghị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, TS Phan Tùng Mậu cho rằng cần có câu trả lời cho 5 vấn đề: Công nghệ khai thác, công nghệ chế biến, tác động môi trường, hiệu quả kinh tế và cuộc sống của người dân.

Ý kiến trên được nêu tại hội thảo góp ý dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) đã tổ chức sáng 25/7. Hội thảo có sự tham dự của GS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp hội, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực mỏ địa chất, thủy lợi, kinh tế môi trường Việt Nam.

Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm cấp quốc gia, đã được cân nhắc qua nhiều thời kỳ. Dự án đã tạm dừng được 8 năm và vào năm 2016, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho khởi động lại.

Toàn cảnh hội thảo góp ý phản biện về dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: NV

Phản biện đề nghị này, TS Phan Tùng Mậu cho rằng có 5 vấn đề chính:

Thứ nhấtcông nghệ khai thác. Đây là vấn đề quan trọng vì mỏ sắt Thạch Khê ở độ sâu 500 mét, nhưng khai thác theo công nghệ nào hiệu quả nhất và tốt nhất?

Thứ hai là vấn đề công nghệ chế biến. "Mỏ sắt Thạch Khê khác những mỏ sắt khác. Vậy ngoài sắt, kẽm thì trong quặng ở Thạch Khê còn có thành phần nào?" - ông Mậu đặt câu hỏi.

Thứ batác động môi trường. Khi khai thác theo hình thức lộ thiên với moong rộng 500m2, độ sâu 500m thì nên làm thế nào? Khi khai thác quặng ở độ sâu như vậy, mạch nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Với moong khai thác rộng 500m, liệu cuộc sống của người dân có bị ảnh hưởng khi nước ngầm bị hút hết về moong này?"

Vấn đề thứ tư
TS Mậu nêu ra là hiệu quả kinh tế. Mỏ sắt Thạch Khê được dự báo có trữ lượng khoảng 500 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD, thời gian khai thác từ 30-50 năm. Nếu chia trung bình, giá trị khai thác một năm là 600-700 triệu USD, và đây không phải con số quá lớn. Chuyên gia này băn khoăn: "Thêm vào đó, liệu Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) có khai thác hết được trữ lượng quặng ở đây không, hay do điều kiện mỏ quá sâu nên chỉ khai thác hết 1/3 hoặc 2/3? Nếu không khai thác hết, đó sẽ là một sự lãng phí lớn về kinh tế".

Điều thứ 5 mà TS Mậu cho rằng cần làm rõ là cuộc sống của người dân xung quanh mỏ, như vấn đề di dân, việc làm của người dân sẽ được giải quyết như thế nào? Theo ông, cuộc sống của người dân phải được đảm bảo trên mọi lĩnh vực và tính toán kỹ lưỡng.


Cũng phát biểu tại hội thảo, PGS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - cho rằng, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo và mang giá trị lịch sử xã hội. Do đó, việc khai thác khoáng sản nói chung và mỏ khoáng sản sắt Thạch Khê - có trữ lượng và số lượng thuộc nhóm lớn nhất Đông Nam Á - nói riêng là điều cần thiết. Tuy nhiên, bao giờ khai thác, ai khai thác, khai thác bằng công nghệ gì là những câu hỏi cần có giải đáp thuyết phục.

"Với tài nguyên quặng sắt, ở khu vực mỏ Thạch Khê không thể xây dựng dự án hạ tầng gì bởi đến khi khai thác sẽ phải phá bỏ. Do đó, nên tiến hành khai thác mỏ sớm nhất có thể, khi mật độ dân cư còn thấp và hạ tầng kỹ thuật khu vực chưa đầu tư nhiều" - ông Hải nói.

Chuyên gia này cho rằng đối với mỏ quặng có độ sâu khai thác lớn như mỏ sắt Thạch Khê, đơn vị được giao khai thác phải có kinh nghiệm và trang thiết bị chuyên dụng. Nếu chọn doanh nghiệp Việt Nam thì không ai có kinh nghiệm và trang thiết bị khai thác bằng Tổng Công ty Khoảng sản Việt Nam (thành viên chính chiếm 69% vốn của TIC). Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư của TIC phải bổ sung các phương án bảo vệ môi trường theo hướng hiện đại và an toàn nếu được cơ quan quản lý cho phép triển khai tiếp dự án.