Đó là con số mà ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)" tổ chức sáng 18/4 tại Hà Nội.

Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA/Liên minh phần mềm tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong tháng hành động hưởng ứng "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới".

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, các nước phát triển có xu hướng "hình sự hóa" các hình vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự, không chỉ bao gồm nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Ông Lâm cũng cho biết, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đoàn Dung

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017, thực hiện quyết định thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1,65 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xử phạt 750 triệu đồng đối với 26 doanh nghiệp vi phạm quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính.

Trước tình hình đó, ông Minh cho rằng: "Điều 225 Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm máy tính. Với những hình phạt nghiêm khắc được quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi này đã có hiệu lực, tôi cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình và có hành động, kịp thời để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu một ngày các hành vi vi phậm bị cơ quan chức năng phát hiện".

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định, hướng dẫn tại Điều 225 Bộ Luật Hình sự cụ thể như sau:

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.