Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ KH&CN đối với các nhà khoa học trẻ - tương lai của nền KH&CN Việt Nam khi nhắc về buổi gặp mặt các
nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015 diễn ra ngày 11/9/2015.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, sau buổi gặp mặt, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN với TS.
Nguyễn Bá Hải, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với TS. Hải để khảo sát, tìm hiểu quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm “mắt thần” cho người khiếm thị, trao đổi về cơ chế, chính sách và hướng dẫn TS. Nguyễn Bá Hải chuẩn bị các tài liệu cần thiết theo quy định để có thể sớm trình dự án lên các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (phải) chủ trì họp báo quý III/2015
Chia sẻ với phóng viên tại họp báo, ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cũng cho biết thêm, ngay sau cuộc gặp với các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, một số tiền ban đầu cũng đã được Văn phòng Chính phủ cấp cho TS Hải để chuẩn bị kỹ hơn cho việc hoàn thiện nghiên cứu, báo cáo.
“Nếu các bước thực hiện suôn sẻ, rất có thể ngay đầu năm 2016 việc sản xuất sẽ bắt đầu được tiến hành”, ông Bùi Thế Duy cho biết.
Cũng theo ông Duy thì Bộ KH&CN xác định việc đặt hàng kính “mắt thần” của Thủ tướng là một dự án kéo dài, có thể phải thực hiện trong khoảng thời gian 3 – 5 năm. Dự án mang tính nhân văn cao vì vậy cần nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường số lượng sản phẩm phù hợp, phục vụ người sử dụng thiết thực, an toàn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết qua chuyến công tác và làm việc trực tiếp với TS Nguyễn Bá Hải, anh cho rằng còn có cả một lộ trình rất dài cho sự phát triển của kính mắt thần.
“TS Hải đã có một kế hoạch rất dài hơi để phát triển sản phẩm kính mắt thần và tôi cũng đã đề nghị với TS Hải viết thành một dự án đầy đủ với các nghiên cứu đánh giá để triển khai được toàn diện trong thời gian tới”.
Hiện Bộ KH&CN chủ trì tổ chức thẩm định công nghệ, năng lực nghiên cứu, kỹ thuật và chi phí sản xuất kính “mắt thần”. Còn TƯ Đoàn TNCS HCM sẽ chủ trì khảo sát lấy ý kiến phản hồi từ những người đã được tặng kính mắt thần, số lượng người có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, tư vấn hỗ trợ cho TS Hải xây dựng dự án tổng thể cho việc nghiên cứu phát triển đầu tư sản xuất kính “mắt thần”.
“Dự kiến, các bên liên quan sẽ hoàn thành báo cáo trong tháng 10.2015 để trình Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Đào Ngọc Chiến cho biết.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trẻ do Bộ KH&CN tổ chức ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định ngay tại buổi gặp mặt sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho dự án sản xuất 300.000 kính “mắt thần” để tặng cho người khiếm thị.
700 đơn vị tham gia Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết Bộ KH&CN đang gấp rút chuẩn bị cho một số sự kiện lớn, trong đó có sự kiện
Techmart Quốc tế Việt Nam 2015 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay và có nhiều điểm mới, thu hút trên 700 đơn vị tham gia với 600 gian hàng.
Cụ thể, thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả về nội dung hoạt động và hình thức tổ chức, cả về số lượng đơn vị tham gia; doanh nghiệp chủ động đưa ra những yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp trong bài toán kinh doanh thực tế của mình để chính các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đi chợ có được các đặt hàng thực sự. Techmart 2015 sẽ có một diện tích dành cho Hệ sinh thái khởi nghiệp với sự có mặt của các Start-up đầy sáng tạo, đam mê; Techmart sẽ giới thiệu một số doanh nghiệp nhờ ứng dụng KH&CN đã phát triển vượt bậc; có sự tham gia của trên 50 nhà sáng chế không chuyên với các sản phẩm sáng tạo của họ;...
Một số hoạt động trọng tâm khác trong Quý IV/2015 như: Tổng kết phương hướng, mục tiêu, hoạt động chủ yếu 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN; Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV; Tổng kết hoạt động Thanh tra chuyên đề; Hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ khu vực Nam Bộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Giao ban 3 Khu Công nghệ cao; hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020; triển lãm sáng tạo của sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ của các Viện, Trường, doanh nghiệp KH&CN tiềm năng; tổng kết Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015.
Một sự kiện cũng rất quan trọng mà Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhắc đến đó là ngày 17/9/2015 tại thủ đô London, Anh, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố Báo cáo
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2015 (Global Innovation Index 2015, gọi tắt là GII 2015).
Theo đó, Việt Nam tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng GII, đứng thứ 52 (so với vị trí 71 năm 2014 và 76 năm 2013) trên tổng số 141 nền kinh tế (năm 2014 có 143 nền kinh tế được xếp hạng). Bên cạnh đó, xét về hiệu quả đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở thứ hạng cao, thứ 9 thế giới (năm 2014 chúng ta đứng thứ 5 thế giới, năm 2013 thứ 17 và năm 2012 thứ 27), dựa trên điểm trung bình của 79 chỉ số chia làm hai nhóm: nhóm các tiểu chỉ số đầu vào và nhóm các tiểu chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo.
Như vậy, năm 2015, dù hiệu quả đổi mới sáng tạo chúng ta giảm 4 bậc, nhưng ở chỉ số xếp hạng chung quan trọng nhất chúng ta đã tăng bậc đáng kể. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, đây là kết quả bước đầu của những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN và các lĩnh vực khác trong thời gian qua.
Từ kết quả đánh giá này, Bộ KH&CN cùng với cộng đồng khoa học sẽ nỗ lực hơn nữa để hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.