Techmart 2015 sẽ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 700 đơn vị, cá nhân tham gia. Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ được chứng kiến Techmart “ngược”-doanh nghiệp chủ động đưa ra yêu cầu đổi mới công nghệ sao cho phù hợp với kinh doanh của doanh nghiệp mình

TS. Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin và CN QG, Phó Trưởng ban tổ chức hội chợ.
TS. Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin và CN QG, Phó Trưởng ban tổ chức hội chợ.
Từ ngày 1-4/10/2015, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE, Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội sẽ diễn ra Chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2015, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ủy ban KH&CN ASEAN, UBND TP.Hà Nội và UBND TPHCM phối hợp tổ chức với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của Techmart - được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay, PV Báo KH&PT đã có buổi trao đổi với TS. Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin và CN QG, Phó Trưởng ban tổ chức hội chợ.
- Xin ông cho biết, Techmart 2015 là một sự kiến lớn mang tầm quốc tế, do vậy khâu tổ chức đặc biệt được quan tâm. Vậy, xin ông cho biết đến nay công tác tổ chức và thông tin phản hồi từ phía các đơn vị tham gia như thế nào?
Techmart 2015 sẽ diễn ra từ ngày 1-4/2015 tại HN, đây là lần thứ bảy tổ chức nên các đơn vị chủ trì và tham gia có nhiều kinh nghiệm rút từ các kỳ Techmart trước. Tuy nhiên, với quy mô và tầm quan trọng của Techmart lần này nên chúng tôi cũng nhận thức rõ điều đó để có kế hoạch chuẩn bị chu đáo các khâu ngay từ cuối năm 2014.
Có thể nói, tính tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Techmart 2015 đã gần như hoàn thiện.
Về phía các đơn vị tham gia, trước đó chúng tôi đã phát các phiếu điều tra và phiếu đăng ký tham gia nên sau đó, các gian hàng đều đã được đăng ký sớm.
Tính đến thời điểm này đã thu hút được hơn 600 gian hàng, trong đó có trên 500 doanh nghiệp; 110 viện nghiên cứu; 22 trường đại học; 32 sở KH&CN; 30 tổ chức hỗ trợ phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ; 50 nhà sáng chế không chuyên. Đặc biệt, tại Techmart lần này có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến từ các nước Nga, Nhật, Lào… tham gia.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Techmart năm nay còn có 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước (KC) tham gia với mục đích giới thiệu những kết quả nghiên cứu KH&CN mới trong giai đoạn 2010-2015.
- Techmart lần này có quy mô rộng và số lượng đơn vị tham gia lớn, như vậy có thể nói là bước đầu đã đạt được như kế hoạch đề ra, thưa ông?
Vâng, căn cứ trên thống kê của BTC cho thấy, các đơn vị đăng ký tham gia rất sớm và sản phẩm mang đến Techmart cũng rất mới và đa dạng. Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đều có uy tín, có tên tuổi trong ngành công nghệ nên có thể nói đã đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh những sản phẩm mang đến giới thiệu tại triển lãm, họ còn có kế hoạch tìm đối tác, thị trường để hiện thực hóa vào phục vụ đời sống xã hội…
Giới thiệu thiết bị, công nghệ tại Techmart kỳ trước.
Giới thiệu thiết bị, công nghệ tại Techmart kỳ trước.
- Điểm khác biệt của Techmart lần này là được tổ chức vào năm cuối của giai đoạn 5 năm (2010-2015), nhiều kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn. Ông có thể nêu một vài điển hình về các điểm khác biệt năm nay so với những năm trước?
Điểm khác biệt lớn nhất của Techmart 2015 so với các kỳ Techmart trước là thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả về nội dung hoạt động và hình thức tổ chức, cả về số lượng tham gia. Đây sẽ không còn là dịp biểu dương lực lượng đơn thuần của các cơ quan nghiên cứu mà là câu chuyện năng suất, chất lượng, đổi mới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bằng KH&CN sẽ được diễn ra như thế nào. Về số lượng đơn vị tham gia cũng thể hiện điều đó, khi chúng ta có hơn 500 doanh nghiệp so với hơn 100 viện nghiên cứu.
Lần đầu tiên chúng ta sẽ được chứng kiến Techmart “ngược”, đó là việc các doanh nghiệp chủ động đưa ra những yêu cầu về đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp trong bài toán kinh doanh thực tế của mình. Đây là nơi để chính các nhà khoa học, các viện nghiên cứu đi chợ để có được các đơn đặt hàng thực sự và thấy được thị trường cụ thể cho những sáng tạo của mình. Ngoài ra, Techmart 2015 sẽ có một diện tích dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp với sự có mặt của các Start-up đầy sáng tạo và đam mê, cả trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực khác như nông nghiệp.
Cùng với đó, trong khuôn khổ Techmart lần này, Cục Thông tin KH&CN quốc gia sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học và kỹ thuật quốc tế - ICSTI tổ chức khóa họp lần thứ 66 Uỷ ban đại diện toàn quyền các nước thành viên và hội thảo chuyên ngành nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên của ICSTI về chính sách, cơ chế và phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin KH&CN, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu về KH&CN phục vụ đổi mới sáng tạo.
- Năm 2014, để đánh giá mức độ triển khai các hợp đồng đã ký kết tại Techmart, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tổ chức điều tra các đơn vị tham gia Techmart. Ông có thể cho biết số lượng giao dịch mua bán công nghệ cũng như tổng giá trị giao dịch thông qua các hợp đồng được ký kết có những bước chuyển như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Từ kinh nghiệm và kết quả các lần Techmart đã diễn ra, có thể thấy rằng Techmart đã giúp tăng trưởng giao dịch công nghệ và đạt hiệu quả trong việc xúc tiến phát triển thị trường KH&CN. Điều này thể hiện quả kết quả điều tra năm 2014 các hợp đồng đã ký kết tại các kỳ Techmart và hậu Techmart cho thấy: Có 30-50% các hợp đồng, biên bản ghi nhớ ký kết tại Techmart đã được triển khai. Nhiều đơn vị đã tăng doanh thu lên từ 10% - 60% tùy từng lĩnh vực.
- Được biết, Techmart là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, xúc tiến phát triển thị trường công nghệ. Vậy, những bất cập, những khó khăn, vướng mắc nào vẫn tồn tại trong và sau mỗi kỳ Techmart? Và Techmart 2015 sẽ có những hướng đi gì mới?
Trong thị trường KH&CN của chúng ta, vấn đề bất cập hay khó khăn nhất chính là các định chế trung gian - cầu nối chuyên nghiệp và hiệu quả giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Hiện nay chúng ta đang thiếu các tổ chức tư vấn, đánh giá, giám định công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chuyên nghiệp, thấu hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp theo văn hóa doanh nghiệp. Khi đã có công nghệ hay tài sản trí tuệ thì phải có một tổ chức định giá được nó, tư vấn được cho cả người mua và người bán đảm bảo quyền lợi cao nhất và bền vững nhất khi chuyển giao.
mặc dù Techmart đã thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân tham gia đông đảo và tỷ lệ tăng trưởng giao dịch cao, nhưng thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề sau: Tính hoàn thiện của công nghệ nội sinh như một hàng hóa chất lượng cao còn hạn chế; năng lực tiếp thị của bên cung công nghệ còn thấp, họ hầu như chưa chú trọng đến phát triển thị trường, còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ xúc tiến tiếp thị bán hàng; các tổ chức KH&CN không
muốn chi phí vào hoạt động xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu vì chưa có quy định nào bắt buộc các chủ trì đề tài sau khi nghiệm thu đề
tài cần phải công bố với xã hội kết quả này thông qua Techmart ; Nhà nước thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích bên cung CNTB, đặc biệt là các nhà khoa học bán hoặc chuyển giao công nghệ tại Techmart.
Về hướng đi mới trong Techmart tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng để các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN tiếp tục hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu đến với nhu cầu và năng lực thực sự của mình. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi để hỗ trợ tất cả các hợp đồng được ký kết và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng đã được ký kết, kể cả việc cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tiến hành các điều tra, khảo sát hậu Techmart, chúng tôi sẽ phối hợp cụ thể với các bộ, ngành và địa phương nhằm đặc biệt quan tâm hỗ trợ các hợp đồng được ký kết ở các kỳ Techmart.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!