Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đưa ra trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, được ghi dấu với nhiều sự kiện hợp tác quan trọng, nổi bật là việc Tổng thống Moon Jae In tham dự lễ động thổ xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
VKIST - điểm sáng trong hợp tác KH&CN
Dự án ODA về thành lập Viện VKIST với quy mô lên tới 35 triệu USD, được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định là một dấu mốc quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nền khoa học và công nghệ của Việt Nam cũng như mối quan hệ gắn bó của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho VKIST tiếp cận theo mô hình quốc tế hướng đến phát triển công nghệ công nghiệp phục vụ các ngành sản xuất tại Việt Nam. Giai đoạn đầu tiên, VKIST sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng và vận hành hệ thống đào tạo nguồn nhân lực. Các hoạt động nghiên cứu bước đầu sẽ được triển khai ngay từ năm 2018 với mục tiêu giải quyết nhu cầu công nghệ cấp thiết của một số ngành công nghiệp, cụ thể là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Trong 5 năm tiếp theo, VKIST đặt mục tiêu xây dựng uy tín và mở rộng hoạt động nghiên cứu hướng đến cung cấp sản phẩm công nghệ có chiều sâu cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa trình độ công nghệ của hai lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thông tin đáp ứng được trình độ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giai đoạn kế tiếp, Viện sẽ hướng tới thị trường thế giới và hợp tác nghiên cứu với đối tác toàn cầu.
Hiện nay, sau 5 năm chuẩn bị hành lang pháp lý, các quy định về quản lý của Viện cơ bản hoàn thiện, gồm: thành lập hội đồng viện, bổ nhiệm viện trưởng, ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, ban hành quy chế tài chính và bước đầu thiết lập cơ cấu tổ chức của viện để đi vào hoạt động. Viện trưởng là Tiến sĩ Kum Dongwha, đảm nhiệm trong 5 năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện KIST giai đoạn 2006-2008.
VKIST có quyền tự chủ tự quyết, yếu tố quan trọng từng đóng góp vào thành công của viện KIST trước đây ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với cơ chế tài chính, trước đây Bộ KH&CN đề xuất cho phép mức lương cao vượt trội so với mặt bằng chung trong nước, nhằm phù hợp với bình diện quốc tế, nhưng trong bối cảnh ngân sách hiện tại, một số bộ ngành liên quan cho rằng điều này chưa thực sự khả thi.
Tổng thống Moon Jae In và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn nút khởi công dự án xây dựng VKIST.
Để giải quyết vướng mắc, tại kỳ họp Ban Chỉ đạo dự án lần thứ nhất, Bộ KH&CN đã đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ thu nhập của các cán bộ VKIST bên cạnh mức lương từ ngân sách Việt Nam theo quy định và đã nhận được sự đồng tình từ phía bạn. Tham khảo Quy chế Tài chính của các trường Đại học Việt Pháp và Việt Đức, Bộ KH&CN và phía bạn đã dự kiến Quy chế Tài chính mới, theo đó các cán bộ của VKIST sẽ được hưởng mức lương gấp hai lần so với mức lương thông thường từ ngân sách nhà nước và không phân biệt quốc tịch, đồng thời sẽ được hưởng thêm trợ cấp từ Chính phủ Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đã tán thành với dự thảo mới, đồng thời được biết Bộ Tài chính của Việt Nam cũng đã có ý kiến nhất trí với mức lương dự kiến.
Trọng tâm hướng tới đổi mới sáng tạo và cách mạng 4.0
Tại Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (JCM 8) cấp Bộ trưởng được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/3, Việt Nam và Hàn Quốc đều xác định KH&CN có vai trò rất quan trọng, là nền tảng, động lực đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, vì vậy hai bên đều mong muốn sự hợp tác về KH&CN ngày càng được đẩy mạnh.
Nhìn lại thời gian qua, hợp tác về KH&CN giữa hai quốc gia đã có những dấu mốc đáng ghi nhận, đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực: năng lượng y học hạt nhân, chăm sóc sức khỏe và y học, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ…, theo thông tin từ ông Phùng Bảo Thạch – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ KH&CN.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng và phát triển công nghệ, hai bên đã triển khai thành công một số dự án như “Xây dựng hệ thống đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ ở Việt Nam thông qua tham vấn kinh nghiệm của Hàn Quốc”. Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống định giá công nghệ xác định giá trị khách quan của công nghệ nhờ tư vấn, hỗ trợ của Hàn Quốc. Hàn Quốc còn tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án “Phát triển bộ KIT kiểm định chất lượng nước phù hợp đặc trưng nước thải ở Việt Nam” giai đoạn 2015-2016, hiện sản phẩm được ứng dụng phục vụ quan trắc và kiểm tra nhanh hiện trường tại Việt Nam và đang tiếp tục phát triển sản phẩm phục vụ quan trắc nhanh chất lượng nước trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Ở lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, nhiều hợp tác trong quản lý chất lượng xăng dầu, hợp tác về quy chuẩn hóa, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và mã số, mã vạch… đã được triển khai. Hiện hai bên đã thỏa thuận chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm hợp tác về đo lường Việt Nam – Hàn Quốc (V-KCM).
Ông Phùng Bảo Thạch cũng cho biết, trong thời gian tới hướng trọng tâm hợp tác là nghiên cứu chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo. Cụ thể các dự án được đề xuất như: “Tư vấn chính sách nhằm tăng cường năng lực nhìn trước cho hoạch định chiến lược KHCN và đổi mới ở Việt Nam (2019-2020”, “Khung chính sách công nghệ và tác động của nó đối với năng lực công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế tạo của Việt Nam”; “Tăng cường năng lực quản lý, đào tạo về đổi mới công nghệ ở Việt Nam”.
Ở lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Việt Nam đề xuất xây dựng mô hình hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường công nghệ theo mô hình của Hàn Quốc. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ để kết nối hỗ trợ chuyển giao công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc; xây dựng khu hỗ trợ sản xuất thử để thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các sản phẩm KH&CN của các nhà khoa học; kết nối các quỹ đổi mới sáng tạo và đầu tư để góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp…
Đặc biệt Bộ KH&CN cũng đề xuất được chia sẻ kinh nghiệm với Hàn Quốc về xây dựng chiến lược và chính sách nhằm thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. Đề xuất chương trình ODA thiết lập mô hình chính phủ điện tử phù hợp với cách mạng 4.0.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác nghiên cứu công nghệ khí hậu, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin; phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.
Tổng thống Moon Jae In khẳng định Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển lớn nhất, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển đóng góp thực chất vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hỗ trợ hợp tác phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hạ tầng, đô thị thông minh, năng lượng sạch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực và hành chính công, xây dựng chính phủ điện tử, triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác tài chính và Hiệp định khung về các khoản tín dụng quỹ Chương trình Cho vay Song phương (EDCF). Đồng thời quyết định cung cấp các khoản viện trợ phát triển chính thức phù hợp với điều kiện và nhu cầu của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí cùng nỗ lực để góp phần đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật Việt Nam trong việc thực hiện hiệu quả dự án VKIST.