Một số cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và chuyên gia Ý bên trong đài thiên văn tại Hoà Lạc. Ảnh: Ngọc Điệp
Đài thiên văn được đặt ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), là đài thiên văn hiện đại thứ hai được xây dựng tại Việt Nam, sau Đài thiên văn Nha Trang (đặt tại Hòn Chồng, Nha Trang, Khánh Hòa, đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2017).
Đài thiên văn ở Hà Nội bao gồm 3 hạng mục chính: Kính thiên văn lớn nhất Việt Nam với đường kính 0,5m; nhà chiếu hình vũ trụ với cấu tạo nhà mái vòm có đường kính 12m; và bảo tàng vũ trụ - nơi trưng bày nhiều mô hình liên quan đến vũ trụ, vệ tinh, vật lý thiên văn với những công nghệ hiện đại phục vụ giáo dục đào tạo và khách tham quan.
Ảnh chụp Thiên hà Tiên nữ, thiên hà gần chúng ta nhất, một trong những bức ảnh đầu tiên được chụp bởi kính thiên văn tại đài thiên văn tại Hoà Lạc sau khi việc lắp đặt hoàn thành. Ảnh: Ngọc Điệp
Chia sẻ với Khoa học và Phát triển, TS Phạm Ngọc Điệp - Phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - cho biết, có thể nói Đài thiên văn ở Hà Nội, hiện chưa có tên chính thức, là "anh em sinh đôi với Đài thiên văn ở Nha Trang". Hai đài hiện đại như nhau, tuy nhiên nhà chiếu hình vũ trụ của Đài thiên văn ở Hà Nội có rộng hơn một chút.
Đến nay, hạng mục nhà chiếu hình vũ trụ và kính thiên văn đã hoàn thiện và dự kiến đầu tháng 6/2018 sẽ mở cửa đón khách tham quan đến xem phim, trải nghiệm; trong khi hạng mục Bảo tàng vũ trụ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, theo TS Điệp.
Tại đây, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng thiết kế các bài giảng liên quan đến vũ trụ để phục vụ công tác giáo dục cho học sinh, sinh viên.