Với việc hoàn thiện và đi vào hoạt động của Đài thiên văn Nha Trang được kỳ vọng đây sẽ là bước phát triển về hạ tầng và từng bước xây dựng nhân lực cho ngành thiên văn học ở Việt Nam. Đồng thời đây cũng là điểm hẹn thú vị cho những người đam mê vũ trụ.

Sự kiện Đài thiên văn Nha Trang (NTO) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2017 đã được bình chọn là sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm. Nhân dịp này, Báo Khoa học và Phát triển có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để hiểu hơn về ý nghĩa của mô hình hoạt động này.

<?> Thưa ông, như nhiệm vụ đã được đặt ra, Đài thiên văn Nha Trang (NTO) thực hiện nghiên cứu cơ bản về thiên văn quang học và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng - Vậy cụ thể công tác nghiên cứu sẽ được triển khai như thế nào?

Có thể hiểu sơ bộ về công tác nghiên cứu sẽ được triển khai cụ thể như sau:

Với kính thiên văn: Thực hiện các nghiên cứu cơ bản như quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, tìm kiếm siêu tân tinh, hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh, v.v…bằng cách phối hợp với Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ thuộc TTVTVN. Số liệu ghi đo sẽ được xử lý, nghiên cứu, phân tích và công bố qua các bài báo khoa học.

Hợp tác nghiên cứu với các đài thiên văn khác trên thế giới như Đài thiên văn quốc gia Nhật Bản, Đài thiên văn quốc gia Thái Lan qua đó các cán bộ của Đài cũng có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch khai thác kính thiên văn tại chỗ, khuyến khích và trợ giúp các nhà nghiên cứu trong nước sử dụng kính từ xa thông qua mạng internet.

Với nhà chiếu hình vũ trụ: Đây là công cụ chủ yếu để phổ biến kiến thức vũ trụ tới cộng đồng. Để thực hiện công việc này, NTO sẽ tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức ở nhiều mức độ khác nhau từ cơ bản đến chuyên sâu tùy theo đối tượng.

Kính thiên văn quang học đường kính 0.5 mét, thiết bị chính cho nghiên cứu của NTO
Kính thiên văn quang học đường kính 0.5 mét, thiết bị chính cho nghiên cứu của NTO

<?> Điều gì ở Đài này (ví dụ thiết bị hiện đại, hay nhân lực tốt...) hứa hẹn những nghiên cứu tạo ra tiếng vang đối với ngành vũ trụ, thưa ông?

Với việc hoàn thiện và đi vào hoạt động của NTO, chúng tôi hy vọng đây sẽ là một bước phát triển về hạ tầng và từng bước xây dựng nhân lực cho ngành thiên văn học ở Việt Nam, một ngành chưa được quan tâm phát triển một cách đúng mức ở trong nước.

Cụ thể, kính thiên văn quang học đường kính 0.5 mét, thiết bị chính cho nghiên cứu của NTO, là thiết bị hiện đại, chất lượng tốt, có độ chính xác định hướng, độ phân giải không gian và phổ cao nhưng kích thước của kính không phải thuộc lớp những kính quang học lớn nhất thế giới. Những kính lớn nhất hiện nay hoạt động ở bước sóng quang học có đường kính lớp gấp 20 lần (10 m) và các kính lớn hơn nữa cũng đang được xây dựng với hy vọng mang lại khám phá mới cho ngành. Tuy nhiên, loại kính này là lựa chọn phù hợp với ràng buộc về kinh phí đầu tư mà vẫn phục vụ tốt cho công tác đào tạo, đồng thời nhiều nghiên cứu lý thú như nêu bên trên vẫn có thể được tiến hành với hệ kính.

Trong những năm gần đây, hệ thiết bị quang học như tại NTO cũng đã được trang bị ở nhiều nơi như Đài thiên văn Stará Lesná, Viện thiên văn, Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia; Đài thiên văn Gothard, Đại học Loránd Eötvös, Hungary; Đài thiên văn Anton Pannekoek, Đại học Amsterdam, v.v... Hơn thế nữa, chúng tôi phải tính toán đặt đài thiên văn ở vị trí không quá xa thành phố để vẫn có thể thực hiện quan sát cho nghiên cứu nhưng đồng thời cũng mang lại sự thuận tiện cho học sinh, sinh viên đến học tập, thực hành với những thiết bị của NTO.

<?> Việc đưa vào vận hành Đài thiên văn sẽ góp phần hiện thực hóa chương trình nghiên cứu vũ trụ của Việt Nam thế nào, thưa ông?

NTO sẽ tham gia gián tiếp vào việc thúc đẩy hiện thực hóa Chương trình nghiên cứu vũ trụ. Thông qua những hình ảnh và khái niệm về thiên văn lôi cuốn cộng hưởng với sự tò mò, khao khát khám phá của con người, NTO sẽ truyền cảm hứng, lôi kéo sự quan tâm của xã hội đặc biệt là giới trẻ hướng tới khoa học và công nghệ, nâng cao sự hiểu biết của công chúng với KH&CN, thu hút thế hệ trẻ đam mê với khoa học và công nghệ, đặc biệt là thiên văn học và công nghệ vũ trụ.

Đài thiên văn cũng trợ giúp trực tiếp cho Chương trình nghiên cứu vũ trụ thông qua những nghiên cứu chuyên sâu về hệ kính quang học, các thiết bị quang học khác như máy phân tích phổ, cảm biến quang... những thiết bị được sử dụng rộng rãi trên vệ tinh quan sát Trái Đất.

<?> Hiện người dân muốn đến tham quan thì phải liên hệ như thế nào? Chương trình tham quan ra sao, thưa ông?

Hiện NTO đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện nốt một số thủ tục hành chính khác theo đúng quy định của pháp luật. Dự kiến công tác này sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018.

Chương trình tham quan dự kiến gồm: Chương trình cơ bản (xem phim khoa học trong nhà chiếu hình vũ trụ) và chương trình nâng cao (tham dự các bài giảng mức độ khác nhau từ cơ bản đến chuyên sâu về Thiên văn học và công nghệ vũ trụ; Dự các buổi quan sát thiên văn cùng các cán bộ nghiên cứu của Đài).

Thông tin chi tiết sẽ được công bố trên Website trong tương lai gần.