Để về đích trong cuộc thi này, đội 217 đã phải vượt qua 9 đội thi còn lại đến từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Vòng Chung kết của cuộc thi diễn ra hôm nay là: PPP; Shellphish (Mỹ); RoadToRome; BabyPhD (Việt Nam); Samurai (Canada); Dragon Sector; Snatch The Root (Ba Lan); More Smoked Leet Chicken (Nga); Dcua (Ukraine).
Hai đội của chủ nhà Việt Nam là RoadToRome và BabyPhD xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 6.
Trước đó, WhiteHat Grand Prix - Global Challenge 2015 với chủ đề “Hello, Vietnam” đã thu hút sự tham gia của 467 đội thi đến từ 67 quốc gia. Đáng chú ý trong đó có sự góp mặt của nhiều đội đang nắm giữ những vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng an ninh mạng uy tín thế giới.
Tại Vòng Chung kết, các đội phải tham gia thi trực tuyến trong 8 giờ liên tục với hình thức Attack/Defense (tấn công/ phòng thủ). Theo đó, đội thi phải bảo vệ sever dịch vụ của mình và phải tấn công khai thác lỗ hổng trên sever đội bạn để ghi điểm. Tường thuật trực tiếp trên diễn đàn WhiteHat.vn cho thấy, các đội đã thi đấu rất căng thẳng với việc liên tục có đội vượt qua các đối thủ.
Đội hỗ trợ và giám sát tại Vòng chung kết cuộc thi. (Nguồn: Bkav)
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho hay, Việt Nam có năng lực về an ninh mạng và bằng chứng là có nhiều người tìm ra các lỗ hổng bảo mật của các hãng công nghệ trên thế giới (ví dụ lỗ hổng của Google Chrome vào năm 2009…).
Qua cuộc thi, ông Tuấn Anh tin tưởng sẽ góp phần xây dựng nguồn lực an ninh mạng trong nước cũng như mở rộng hoạt động an ninh mạng của Việt Nam ra toàn thế giới. Thêm vào đó, cuộc thi quy tụ sự tham gia của nhiều đội thi đang giữ những thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới đã khẳng định uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ứng dụng phát triển công nghệ thông tin nói riêng và và an toàn thông tin nói riêng. Trong vấn đề an toàn thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo con người là vấn đề quan trọng, then chốt nhất.
Bởi vậy, cuộc thi là một trong những hoạt động hữu ích, thiết thực hướng tới thực hiện các chủ trương của Chính phủ về phát triển an toàn thông tin tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin cũng hy vọng cuộc thi sẽ thúc đẩy nhiệt huyết, đam mê với các bạn trẻ theo đuổi ngành an ninh mạng, giúp họ trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
WhiteHat Grand Prix 2015 gồm 6 giải, trong đó giải Nhất sẽ có trị giá 225 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD), hai giải Nhì và Ba có giá trị lần lượt là 45 triệu đồng (tương đương khoảng 2.000 USD) và 22,5 triệu đồng (tương đương khoảng 1.000 USD).