Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong nước xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối trên 90 cơ quan.
Ngày 6/10/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam đã công bố báo cáo chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam - Việt Nam ICTIndex 2017. Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về chỉ số này ở khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số Việt Nam ICTIndex, xác lập một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Công nghệ thông tin Việt Nam.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo nên sự khác biệt trong cách thức làm việc và vận hành của các cơ quan nhà nước tại thành phố Đà Nẵng, góp phần xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh, và đáng sống.
Chính quyền điện tử phục vụ cải cách hành chính
Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn).
Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn). Đây là nền tảng tích hợp hàng loạt ứng dụng Chính quyền điện tử cốt lõi của thành phố Đà Nẵng như hệ thống Một cửa điện tử, hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống Góp ý, hệ thống Quản lý cán bộ - công chức - viên chức, hệ thống Quản lý nhân hộ khẩu, cùng các cơ sở dữ liệu nền tảng như: Cơ sở dữ liệu công dân, Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, Cơ sở dữ liệu bản đồ GIS...
Trong các ứng dụng của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, nổi bật là hệ thống Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 215 đơn vị nhà nước sử dụng. Hệ thống này là nền tảng để nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý công việc hành chính tại các cơ quan, tạo môi trường thuận lợi để ứng dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong xử lý công việc thay cho văn bản giấy.
Một ứng dụng cốt lõi khác của hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng là phần mềm "Một cửa điện tử" dùng chung cho các Sở ngành, quận, huyện, xã, phường, các đơn vị trực thuộc. Ứng dụng này cho phép quản lý việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả các thủ tục hành chính của thành phố Đà Nẵng, trong đó có 526 thủ tục được xử lý trực tuyến mức độ 3,4. Ứng dụng "Một cửa điện tử" đã góp phần nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại thành phố.
Ứng dụng Góp ý (phiên bản web và app mobile) phục vụ việc tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân về nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố như giao thông, môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục... Thông qua hệ thống này, người dân thể hiện vai trò giám sát, đối thoại công khai, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền thành phố Đà Nẵng, tạo dựng hình ảnh một chính quyền thân thiện và minh bạch.
Bên cạnh hệ thống thông tin Chính quyền điện tử Đà Nẵng, các cơ quan trong thành phố còn sử dụng hàng trăm phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm cấp giấy phép lái xe, quản lý phương tiện tại Sở Giao thông Vận tải; Phần mềm quản lý cấp giấy phép đầu tư, Phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh qua mạng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phần mềm quản lý hành nghề y dược tư nhân, quản lý số liệu thống kê tại Sở Y tế; Phần mềm quản lý các cơ sở đào tạo nghề và đối tượng xã hội tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phần mềm quản lý hộ tịch tại các phường, xã; Phần mềm y tế xã, phường; Phần mềm quản lý bệnh viện... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan.
Xây dựng Chính quyền điện tử
Mới đây, Đà Nẵng đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình. Thông qua các thiết bị giám sát hành trình, hệ thống này thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt... để phục vụ quản lý, điều hành.
Sở Giao thông Vận tải đã đưa vào sử dụng ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus (các tuyến xe trợ giá, nội thị) trên điện thoại di động (Android và iOS) để tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, phục vụ việc đi lại. Qua đó, thu hút người dân đến với giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt Đà Nẵng.
Đà Nẵng cũng đã triển khai hệ thống điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông và Trung tâm Quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng. Hiện nay, hệ thống cho phép điều khiển đèn tín hiệu tại 64 nút giao thông, 97 camera giám sát tại 51 điểm giao thông. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát giao thông từ ngày 1/11/2016.
Ứng dụng tra cứu thông tin xe buýt Đà Nẵng (Danabus).
Năm 2017, Đà Nẵng cũng đầu tư lắp đặt 1.600 camera trên địa bàn thành phố, góp phần hỗ trợ các cơ quan an ninh thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm an ninh trật tự. Hình ảnh thu được từ camera đã giúp cơ quan an ninh giải quyết nhiều vụ việc trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự, tai nạn giao thông...
Trong lĩnh vực môi trường, Đà Nẵng triển khai hệ thống Giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián để phát hiện và cảnh báo sớm các chỉ số: độ pH, độ oxy hòa tan, độ đục, nhiệt độ..., và đang triển khai tiếp theo cho 8 hồ khác nhau trong thành phố. Đà Nẵng cũng đã triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ.
Qua đó, các chỉ tiêu chất lượng nước (độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ PH và nồng độ clo…) được thu thập và phân tích bởi các thiết bị cảm biến và cung cấp các thông số theo thời gian thực về cơ quan quản lý. Hệ thống sẽ hiển thị các chỉ số lên Bảng thông báo (Dashboard) phục vụ cơ quan quản lý và cung cấp công khai thông tin cho cộng đồng.
Đà Nẵng cũng đã xây dựngcơ sở dữ liệu dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục, liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học tại các trường trong cả thành phố, tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố.
Để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Đà Nẵng đã triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm qua tin nhắn, điện thoại. Hiện nay, đang hoàn thiện Cổng thông tin quản lý an toàn thực phẩm để chia sẻ cho các cơ quan, quận, huyện sử dụng chung, phục vụ công tác quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Hệ thống hành chính một cửa.
Hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn
Hạ tầng truyễn dẫn và lưu trữ là nền tảng cơ bản để các ứng dụng Chính quyền điện tử và thành phố thông minh có thể triển khai thuận lợi. Được đầu tư liên tục, đồng bộ từ những năm 2000, đến nay Đà Nẵng đã hình thành những hạ tầng hết sức cơ bản.
Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong nước xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối trên 90 cơ quan. Hệ thống mạng này được gọi là Mạng đô thị (MAN) gồm 300 km cáp quang ngầm, băng thông kết nối 10-40 Gbps; Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng thành công và tiếp tục nâng cao năng lực của Trung tâm dữ liệu (Data Center) với dung lượng 100TB, dành riêng cho các cơ quan nhà nước. Đây là nơi lưu trữ, vận hành các ứng dụng và dữ liệu quan trọng của hệ thống chính quyền điện tử.
Đà Nẵng triển khai Mạng Wi-Fi miễn phí (430 điểm phát sóng), phục vụ người dân, du khách tại các điểm trung tâm, khu du lịch của thành phố, phục vụ các sự kiện lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Tuần lễ cấp cao APEC...;
Hướng tới Thành phố thông minh
Với những thành công bước đầu, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh việc xây dựng thành phố thông minh dựa trên nền tảng các ứng dụng chính quyền điện tử mà thành phố đã triển khai thành công trong nhiều năm qua, trong đó hệ thống thông tin Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn) đóng vai trò nòng cốt.
Đây là năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số Việt Nam ICTIndex, xác lập một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Công nghệ thông tin Việt Nam.
Phương châm
xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “Đa đối tác - Một nền tảng - Một hạ tầng - Một chính sách - Đa ứng dụng”. Thành phố Đà Nẵng có thể hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhưng thực hiện xây dựng thành phố thông minh trên một nền tảng duy nhất, một cơ sở hạ tầng, một chính sách thống nhất. Từ đó, xây dựng đa dạng các ứng dụng, dịch vụ thông minh.
Để giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương, UBND thành phố chủ trương đa dạng hóa các nguồn đầu tư, từ kinh phí Trung ương, nguồn vốn vay ODA và cả vốn đầu tư của doanh nghiệp dưới hình thức hợp tác công tư (PPP)... Trong những năm gần đây, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đề xuất triển khai dự án công nghệ thông tin theo hình thức PPP tại Đà Nẵng. Đây là một dấu hiệu tốt thể hiện sự quan tâm và chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Đà Nẵng nhằm xây dựng một đô thị thông minh và đáng sống.