Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu vào ngày 15/6, khi Chính phủ Mỹ loan báo mức thuế 25% trên 818 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, danh sách bao gồm nhiều loại thiết bị quan trọng trong nghiên cứu như các chi tiết thiết bị điện cơ bản, kính hiển vi, các thiết bị khảo sát địa chất…
Tổng thống Donald Trump cho rằng các loại thuế này, sẽ có hiệu lực vào ngày 6/7/2018, là nhằm giảm bớt ưu thế của Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp như sản xuất robotic, vật liệu mới, công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông và sẽ góp phần tạo sân chơi cho các công ty của Mỹ. Chính quyền Trump đang tính đến việc áp thêm nhiều loại thuế nhập khẩu khác vào 184 hàng hóa công nghiệp khác của Trung Quốc, trong đó có cả hóa chất.
Một ngày sau thông báo của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lập tức đáp trả với một danh sách các mức thuế nhập khẩu có hiệu lực vào ngày 6/7/2018 trên với 545 sản phẩm Mỹ xuất sang nước này. Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng các loại thuế với 114 mặt hàng Mỹ xuất khẩu nữa trong thời gian tới, bao gồm các loại hóa chất cơ bản, các thiết bị y tế như máy cộng hưởng từ (MRRI), dù chưa thông báo chính thức thời điểm các mức thuế này có hiệu lực.
Phản ứng của các nhà khoa học Mỹ
Các nhà khoa học Mỹ đã nhanh chóng phản ứng việc áp dụng mức thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ. Thomas Lapen – nhà địa hóa học tại trường Đại học Houston, Texas, nói: “Tôi phản đối việc áp các mức thuế này bởi điều đó chỉ thêm phần ảnh hưởng đến nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu vốn bắt đầu có nguy cơ thiếu hụt của đất nước này”. Vật tư thiết bị là khoản chi lớn thứ hai trong những nghiên cứu của ông, chỉ sau tiền công. Laphen cho biết, chi phí có xu hướng tăng lên bởi các chi tiết, thiết bị mà nhóm nghiên cứu do ông dẫn dắt nằm trong danh mục Mỹ đánh thuế nhập khẩu, như động cơ điện cho các máy ly tâm.
Nhà vật lý Leslie Rosenberg bên máy dò vật chất tối ADMX tại trường Đại học Washington ở Seattle. Nguồn: Trường Đại học Washington
Priscilla Cushman - một nhà vật lý nghiên cứu về vật chất tối tại trường Đại học Minnesota ở Minneapolis, nói các nhà khoa học giữ vị trí trưởng khoa trong những trường đại học Mỹ nên xem xét kỹ để thấy liệu các loại thuế này sẽ ảnh hưởng đến khoa học của họ hay không.
Các loại thuế nhập khẩu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chi phí của những thiết bị lớn, như máy dò vật chất tối ADMX đang được lắp đặt tại trường Đại học Washington ở Seattle. Nhà vật lý Leslie Rosenberg – người phụ trách dự án này, đang lo ngại thiết bị mà nhóm nghiên cứu của ông đang cần để thực hiện thí nghiệm – ví dụ như các công cụ phát điện, truyền tải điện và những chi tiết điện khác do Trung Quốc sản xuất, có thể phải chịu những loại thuế nhập khẩu mới này. Rosenberg cho rằng, về tổng thể thì với việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới, hầu như chắc chắn khiến năng lực nghiên cứu khoa học của Mỹ sẽ phần nào bị suy giảm.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác lại không lo ngại như Rosenberg. Roberto Refinetti – một nhà sinh tâm lý đang nghiên cứu về các đồng hồ sinh học tại trường đại học liên bang Boise ở Idaho, vẫn dùng một số thiết bị cỡ nhỏ do Trung Quốc sản xuất để phục vụ cho các dự án nghiên cứu của mình như máy dò chuyển động hồng ngoại để theo dõi động vật gặm nhấm, thì không nghĩ rằng các loại thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tăng đáng kể chi phí nghiên cứu của mình, bởi ông vẫn thường xuyên mua các loại thiết bị kiểu đó.
Nhà Trắng và Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã không trả lời khi Nature đề nghị bình luận về những lo ngại của các nhà nghiên cứu.
Những ảnh hưởng gián tiếp ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, cuộc tranh chấp về thuế nhập khẩu giữa hai chính phủ có thể làm tăng thêm giá các chất thử chuẩn vẫn được dùng trong các phòng thí nghiệm và những thiết bị y tế mà các nhà khoa học nước này vẫn nhập từ Mỹ. Ruibang Luo – nhà tin sinh học tại trường Đại học Hong Kong đang hợp tác với các nhà nghiên cứu đại lục, lo ngại việc áp dụng thuế trên diện rộng với các sản phẩm do Mỹ sản xuất, ngay cả thiết bị dùng trong nghiên cứu như các loại máy giải trình tự DNA.
Nhưng theo Yu Zhou – một nhà khoa học ở trường Vassar College tại New York hiện đang nghiên cứu về chính sách phát triển KH&CN ở Trung Quốc, các loại thuế cũng không thể tạo ra tác động rõ rệt với các dự án nghiên cứu và thực nghiệm tại quốc gia này. Chị cho biết, nhiều trường đại học nhận được khoản ngân sách đầu tư cho nghiên cứu đủ lớn để có thể “chấp nhận” sự nhích lên của chi phí nghiên cứu. Từ bây giờ, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn các thiết bị nghiên cứu hoặc mua các loại sản phẩm phục vụ nghiên cứu do nhiều quốc gia khác ngoài Mỹ sản xuất.
Brian Xu, nhà nghiên cứu về chất độc làm việc trong ban tư vấn khoa học của công ty ACTA ở Washington DC, công ty có nhiều đối tác thương mại ở đại lục Trung Quốc, đồng ý với nhận định là đề xuất của Trung Quốc về các mức thuế nhập khẩu đối với hóa chất và thiết bị khoa học do Mỹ sản xuất không dẫn đến tác động quá lớn. Ông lưu ý là các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ hóa chất của Mỹ và thường xuyên nhập các thiết bị nghiên cứu từ nhiều quốc gia khác như Nhật Bản và Mỹ, vốn có chất lượng và giá thành tương đương.
Tuy nhiên “cuộc chiến” thuế nhập khẩu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vào ngày 18/6/2018, Tổng thống Mỹ Trump đã đe dọa sẽ áp đặt tăng thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc nếu quốc gia này không hủy bỏ thuế nhập khẩu lên hàng hóa và tạo ra một sự liên kết thương mại cân bằng hơn với Mỹ.
Về tổng thể thì với việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới của Trung Quốc, chắc chắn là năng lực nghiên cứu khoa học của Mỹ sẽ phần nào bị suy giảm. Nhà vật lý Leslie Rosenberg |