Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ cho biết sẽ tài trợ tối thiểu 50 nghìn Euro và tối đa 2 triệu Euro theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án phát triển ý tưởng và triển khai mô hình kinh doanh trong chuỗi giá trị hydrogen xanh tại Việt Nam.

Chuỗi giá trị này bao gồm các khâu từ sản xuất, chuyển đổi, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng các dẫn suất của hydrogen (H2/PtX).

GIZ sẽ đóng góp chuyên môn kỹ thuật, cấu trúc và mạng lưới cho các dự án. Các dự án công-tư (PPP) theo đuổi mục đích phi lợi nhuận, tức là các biện pháp phải vượt ra ngoài lợi ích riêng của công ty và phải tránh bóp méo cạnh tranh.

Có hai lựa chọn cho các dự án PPP:

1/ Thỏa thuận hợp tác (Công ty và GIZ cùng thống nhất các biện pháp cụ thể, có thể đo lường được. Mỗi bên tự chịu trách nhiệm tài chính và thực hiện các biện pháp đã thống nhất của mình. GIZ có thể đóng góp tối đa 2 triệu Euro cho các biện pháp này, nhưng không trực tiếp chuyển tiền cho công ty.)

2/ Thỏa thuận dịch vụ (Công ty và GIZ thống nhất về các biện pháp dịch vụ. GIZ hỗ trợ tối đa 200 nghìn Euro cho các biện pháp do công ty thực hiện như một hình thức bồi hoàn tài chính cho các dịch vụ đã thỏa thuận trước với GIZ.)

Trong cả hai trường hợp, bản thân công ty được lựa chọn cần đóng góp ít nhất 50% chi phí của dự án (tối thiểu 50 nghìn Euro).

Dự án PPP có thể kéo dài đến hai năm. GIZ đã bắt đầu mở đăng ký cho các dự án, thời hạn kéo dài từ nay đến ngày 1/9/2024.

Các dự án sẽ được đánh giá theo bốn khía cạnh:

Môi trường (sử dụng năng lượng và phát thải carbon; sử dụng đất, nước và đa dạng sinh học; khả năng sử dụng nguyên liệu và tái chế; tác động ô nhiễm và các biện pháp xử lý an toàn)

Kinh tế (tạo ra giá trị gia tăng và các tác động tăng trưởng bền vững; góp phần chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy thương mại và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy huy động vốn và đầu tư)

Xã hội (Không ảnh hưởng đến tiếp cận năng lượng và nguồn nước của cộng đồng địa phương; đáp ứng các quyền và tiêu chuẩn lao động; đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động và người dân địa phương; tạo ra việc làm mới và gia tăng kỹ năng nghề nghiệp)

Quản trị (Tuân thủ tiêu chuẩn và chứng nhận; minh bạch thông tin và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan; phù hợp với chính sách quốc gia; ổn định chính trị và không sử dụng cho mục đích quân sự)

Các dự án sẽ được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy hydrogen quốc tế (H2Uppp) do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.

GIZ cho biết các ứng viên có thể thảo luận ý tưởng của mình với các chuyên gia trong đội ngũ H2Uppp tại các quốc gia đối tác hoặc tại Đức trước khi chính thức gửi ý tưởng xin tài trợ.

Ngoài Việt Nam, còn có một số quốc gia khác đang triển khai các chương trình H2Uppp bao gồm Algeria, Brazil, Chile, Colombia, Ai Cập, Ấn Độ, Morocco, Namibia, Thái Lan và Nam Phi - hiện mỗi nước đều đã có một hoặc hai dự án được nhận hỗ trợ kỹ thuật.

Đăng ký tham gia tại đây./.


Hydrogen xanh là một loại hydro được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời v.v) để điện phân nước. Quá trình này chia tách phân tử nước (H₂O) thành khí hydro (H₂) và oxy (O₂). Vì nguồn năng lượng đầu vào là sạch, nên khí hydro thu được cũng được xem là sạch và không gây ô nhiễm.

Hydrogen xanh có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như:

• Giao thông vận tải: Làm nhiên liệu cho xe ô tô tải, tàu hỏa, máy bay.

• Công nghiệp: Sử dụng trong các quá trình công nghiệp nặng như sản xuất thép, amoniac.

• Sưởi ấm: Làm nhiên liệu cho các hệ thống sưởi.

Hiện nay, có hơn 40 quốc gia đã ban hành chiến lược phát triển năng lượng hydrogen xanh, trong đó có Việt Nam (2/2024). Nhà máy sản xuất hydrogen xanh đầu tiên của Việt Nam đặt tại Trà Vinh, với công suất dự kiến khoảng24.000 tấn hydro/năm.