Cục Quản lý Dược đề nghị tăng cường nghiên cứu, sản xuất và tìm nguồn nhập khẩu vitamin A bởi hiện nay, cả nước chỉ có 3 thuốc Vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Trước tình trạng một số địa phương phản ánh về việc thiếu vitamin A để sử dụng cho các chương trình y tế, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc tăng cường nguồn cung ứng vitamin A đơn thành phần dược chất (gọi tắt là vitamin A).
Đây là một loại vitamin tan trong chất béo, có chức năng điều hòa tổng hợp protein, tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt… Thiếu vitamin A có thể làm suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến sức đề kháng, đặc biệt là khiến trẻ nhỏ chậm lớn và dễ mắc bệnh.
Để phòng chống tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ em, hằng năm Bộ Y tế đều tổ chức hai đợt uống vitamin A cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Trước đây, vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) dùng để bổ sung cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi (theo Quyết định số 3893/QĐ-BYT ngày 11/10/2007 của Bộ Y tế) đều được các tổ chức nước ngoài viện trợ, nhập khẩu vào Việt Nam và phân bổ cho các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương theo nhu cầu.
Nhưng kể từ năm nay, các địa phương trên phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm vitamin A từ nguồn kinh phí địa phương hoặc từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ cho địa phương. Nguyên nhân là từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách (theo Công văn số 1810/BYT-KH-TH ngày 03/04/2023 của Bộ Y tế về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên).
“Từ năm 2023, dự kiến vitamin A giao cho các tỉnh tự mua. Điều này sẽ gây khó khăn và bị động bởi nguồn vitamin A không sản xuất trong nước, trên thị trường không có bán, khó xác định được đơn giá mua sắm. Nếu không bố trí được kinh phí thì có thể không kịp cho chiến dịch bổ sung vitamin A đợt một vào tháng 6/2023”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La,
nhận xét trong buổi làm việc với đoàn công tác của Tổ chức Vitamin Angels, Viện Dinh dưỡng và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua.
Hiện nay, chỉ có 3 thuốc Vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Để tìm lời giải cho bài toán đảm bảo nguồn cung vitamin A, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A nói chung và vitamin A liều cao (hàm lượng 100.000 IU và 200.000 IU) để cung ứng cho chương trình y tế. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược để xem xét, giải quyết theo quy định.
Trong bối cảnh nguồn cung vitamin A còn hạn chế, người dân có thể chủ động bổ sung bằng cách sử dụng các thực phẩm giàu vitamin A. Trong đó, các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, sữa… sẽ cung cấp loại vitamin A đã chuyển hóa, còn trái cây và rau củ sẽ cung cấp tiền chất của vitamin A (phổ biến nhất là beta caroten, thường có trong các loại rau củ, trái cây có màu vàng, cam). Tiền chất của vitamin A vừa có vai trò giống vitamin A, vừa có nhiều tác dụng sinh học độc lập và rộng hơn so với loại vitamin này.