Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) - Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit), Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát các đơn vị tham gia về sự sẵn sàng của tổ chức, thế mạnh và những giải pháp cần thực hiện của Việt Nam để chuẩn bị cho cách mạng 4.0.
Kết quả khảo sát 275 cơ quan, đơn vị tham dự diễn đàn cho thấy: 35,2% số tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho Industry 4.0, trong đó phần đa là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp CNTT và chiếm số đông nhất là các doanh nghiệp, cơ quan ứng dụng và một số cơ quan quản lý CNTT; 58.7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự diễn đàn.
Theo kết quả khảo sát, Việt Nam có 3 lợi thế/thế mạnh trong CMCN 4.0, đó là nguồn nhân lực (theo đánh giá của 77.7% số đơn vị tham gia khảo sát), nhận thức & quyết tâm hành động của Chính phủ (70.4%), và hạ tầng CNTT & viễn thông (59.1%).
Để hiện thực hóa những lợi thế này, theo các đơn vị tham gia khảo sát, Việt Nam cần triển khai 3 giải pháp quan trọng sau: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).
Các doanh nghiệp, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành có lợi thế trong CMCN 4.0 bao gồm: CNTT (89.9%), du lịch (45.7%), nông nghiệp (44.9%), tài chính, ngân hàng (47%) và logistic (28.3%).
Phượng Hằng