Lần đầu tiên trong lịch sử, khối băng vĩnh cửu dày và lâu đời nhất tại Bắc Cực đã bắt đầu tan chảy. Đây sẽ là nguyên nhân thúc đẩy biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu thêm trầm trọng hơn.
Theo CNN, băng biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc Greenland được coi là vùng chứa các lớp băng dày và lâu đời nhất tại Bắc Cực, thậm chí có những khối băng vĩnh cửu có chiều cao tới 21 mét ở một số nơi.
Bất chấp băng đang tan nhanh ở nhiều vùng biển ở hai cực nhưng lớp băng tại đây chắc chắn sẽ trụ vững tới cùng. Mặc dù vậy, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, nhiều khối băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang có dấu hiệu tan ra lần đầu tiên trong lịch sử.
Walt Meier, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết: "Đây được coi là pháo đài cuối cùng, nơi chúng ta thấy những thay đổi khí hậu về sau này tác động ra sao nhưng rốt cuộc chúng đã đến".
Theo Meier, băng biển ở phía bắc Greenland dày hơn nhiều so với những nơi khác ở Bắc Cực bởi khi băng trôi qua Bắc Cực từ vùng Siberia, nó gắn chặt vào bờ biển gồ ghề của Greenland. Nhưng theo dữ liệu quan sát trong năm nay cho thấy, ngay cả khi lớp băng dày đến đâu, nó cũng không thể tránh được các tác động từ nhiệt độ cao.
Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2018, các đợt sóng nhiệt và và gió ẩm từ phương nam đã khiến nhiều khối băng tan chảy ở khu vực này. Đây là một điều khá bất thường bởi lúc đó, Bắc Cực vẫn đang trong giai đoạn mùa đông.
Keld Qvistgaard, cố vấn tại trung tâm Greenland Ice Service cho biết, tình trạng băng tan có liên quan khá nhiều tới những sự kiện xảy ra vào tháng 2/2018. Nhưng vấn đề hiện nay còn nghiêm trọng hơn thế. Hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 21/8 cho thấy, băng đang tan nhanh ở vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc Greenland.
Mặc dù băng vĩnh cửu đang tan trên vùng biển Bắc Cực nhưng chỉ là sự kiện xảy ra trên một khu vực địa lý rất nhỏ. Giới khoa học nhận định, đây thực chất là một dấu hiệu khác của việc Bắc Cực đã thay đổi. Đó là một Bắc Cực được bao phủ bởi băng theo mùa, mùa hè tan chảy hết, mỏng đi và trôi dạt nhưng đến mùa đông lại xuất hiện trở lại.
Băng biển mất đi có thể tác động tới khí hậu toàn cầu. Khi băng biển tan chảy, ánh sáng Mặt trời khi đi vào bầu khí quyển sẽ không còn bị lớp băng phản xạ nữa mà thay vào đó bị đại dương hấp thụ. Điều này khiến đại dương và không khí xung quanh dần trở nên nóng hơn, dẫn tới một chu trình luẩn quẩn như tan băng, đại dương hấp thụ nhiều nhiệt hơn và lại tan băng.
Bên cạnh đó, băng tan nhanh còn khiến một lượng lớn khí nhà kính như CO2, metan tích trữ dưới thềm băng vĩnh cửu bị thoát ra ngoài, góp phần khiến hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu thêm trầm trọng hơn.
Mùa đông vừa qua tại Bắc Cực là một trong những mùa đông ấm nhất trong lịch sử và nhiệt độ cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ dày băng. Tính tới 17/3, băng biển Bắc Cực đã ghi nhận mức thấp kỷ lục thứ hai vào mùa đông trong vòng 39 năm qua. Giờ đây diện tích băng tại Bắc Cực chỉ còn 14,48 triệu km2, nhỏ hơn 1,16 triệu km2 so với mức trung bình 1981-2010.