Đó là kiến nghị của các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhu cầu của doanh nghiệp và giải pháp” do Bộ KH&CN phối hợp với Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức ngày 16/6/2016 tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong một thời gian dài, bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng là vấn đề pháp lý và thực tiễn phức tạp và gây nhiều tranh luận. Đã hơn 10 năm kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành với quy định về tiêu chí để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, bên cạnh đó là quy định về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng những quy định này để công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng thực sự vẫn là thách thức đối với cơ quan chức năng. Cho đến nay, chưa có bất cứ nhãn hiệu nào được chính thức công nhận và đưa vào danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng. Hệ quả là, các chủ sở hữu nhãn hiệu có chất lượng, uy tín, được đông đảo công chúng biết đến vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng mà pháp luật quy định cho chủ các nhãn hiệu nổi tiếng để bảo vệ các nhãn hiệu của mình chống lại các hành mình xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - TGĐ Vinacafe Biên Hòa chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Kỳ - TGĐ Vinacafe Biên Hòa chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và bảo vệ nhãn hiệu của doanh nghiệp

Tại hội thảo “Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhu cầu của doanh nghiệp và giải pháp” do Bộ KH&CN phối hợp với Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) tổ chức ngày 16/6/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng, giá trị của nhãn hiệu không chỉ nằm ở tên gọi mà bao gồm rất nhiều những sáng chế, sự đầu tư công sức và trí tuệ của toàn cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp mới tạo nên được sức mạnh cho thương hiệu của công ty. Thực tế cho thấy, các nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay chưa được bảo vệ và công nhận. Vì thế, việc đưa ra một quy trình chuẩn cho việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là rất quan trọng và sớm được thực hiện.

Trong khi chế định pháp lý về nhãn hiệu nổi tiếng vẫn chưa đi vào cuộc sống, hiện trạng được ghi nhận là có rất nhiều các giải thưởng, danh hiệu “nhãn hiệu nổi tiếng”, “thương hiệu nổi tiếng” mang tính xã hội hoá do các tổ chức, hiệp hội thực hiện được trao cho các nhãn hiệu của doanh nghiệp nhiều khi chưa thực sự “nổi tiếng” và không có giá trị pháp lý. Điều này gây nên sự nhầm lẫn, sai lệch trong nhận thức của cộng đồng.

Trước thực tế đó, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp INTA thực hiện Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng”. Dự án là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký kết ngày 24/3/2015 giữa Thanh tra Bộ KH&CN và INTA về xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (bao gồm thực thi quyền sở hữu trí tuệ) giữa Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp tư nhân thông qua nghiên cứu phát luật, thực hiện dự án hợp tác và trao đổi kinh nghiệm liên quan tới nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng.

Dự án nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, chủ sở hữu nhãn hiệu, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng; hình thành hệ thống căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” được triển khai tại Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2017 với ba nhóm hoạt động chính: nghiên cứu do các nghiên cứu viên độc lập tiến hành, Hội thảo/Hội nghị và truyền thông do Ban điều phối Dự án tổ chức, Hoạt động đào tạo, khảo sát thực tiễn nước ngoài về áp dụng pháp luật nhãn hiệu nổi tiếng. Dự án đang được triển khai với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ), một số cơ quan bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (như Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an; Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương; Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan), một số thành viên INTA, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Tập đoàn BMW, Nike Việt Nam, Inter Ikea, Công ty CP sữa Vinamilk, Vinacafe, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú), các đại diện sở hữu công nghiệp, văn phòng/công ty luật.