Nếu không tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ trước khi đăng ký tên hay biển hiệu, doanh nghiệp có thể gánh chịu thiệt hại rất lớn do sử dụng trùng tên đã được người khác đăng ký - trong khi đã trót đầu tư tiền của để phát triển doanh nghiệp theo tên này.
Đó là khuyến cáo của ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - khi nói về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT có quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN mà Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 5/4 vừa qua được xem là biện pháp mạnh tay để răn đe doanh nghiệp vi phạm và gỡ khó cho các cơ sở “vô tình” xâm phạm quyền này.
Thu hồi giấy chứng nhận hoặc buộc đổi tên
Có hiệu lực từ ngày 20/5/2016, thông tư 05 quy định căn cứ xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN và các biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền SHCN. Theo đó, doanh nghiệp bị buộc thay đổi tên, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp nếu không chấm dứt việc sử dụng tên vi phạm quyền SHCN trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, biển hiệu, giấy tờ giao dịch, hoặc không đăng ký đổi tên theo thông báo của phòng đăng ký kinh doanh hoặc thỏa thuận của các bên.
Biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được áp dụng với doanh nghiệp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đổi tên hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên theo quyết định xử phạt hành chính, không gửi báo cáo đến phòng đăng ký kinh doanh trong 6 tháng.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, các tình huống trùng tên doanh nghiệp vẫn xảy ra trong thời gian dài từ khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ. Trong luật có quy định về nhãn hiệu, tên doanh nghiệp, tên thương mại… nhưng trong thực tế, nhiều tên doanh nghiệp đăng ký trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký trước, trong khi nhãn hiệu lại có tính độc quyền sử dụng trong vùng lãnh thổ đối với nhóm sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký.
“Việc đặt tên doanh nghiệp có yếu tố trùng với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó sẽ nảy sinh xung đột quyền. Tức là doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ phản ứng với doanh nghiệp có tên chứa yếu tố trùng với nhãn hiệu của họ; thế nhưng phía doanh nghiệp này lại lập luận rằng họ cũng đăng ký tên thương mại, biển hiệu ở sở kế hoạch và đầu tư một cách hợp pháp… Khi có sự xung đột đối với nhãn hiệu thì tên thương mại phải thay đổi, rút lại. Thông tư 05 sẽ giải quyết vấn đề ngẫu nhiên trùng đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ” - ông Lâm nói.
Ai được bảo hộ trước sẽ có quyền
Cũng theo ông Lê Ngọc Lâm, Bộ KH&CN là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhưng việc đăng ký tên doanh nghiệp lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư thực hiện. Hai bên hiện không có sự liên thông nên việc xử lý các hành vi bị trùng lặp rất khó khăn. Bản thân doanh nghiệp cũng cho rằng họ được cấp phép đăng ký kinh doanh đàng hoàng thì không có lý gì nói họ xâm phạm quyền của doanh nghiệp khác.
“Tuy nhiên, nguyên tắc tối thượng là ai nộp đơn trước và được bảo hộ trước thì họ có quyền ngăn cản bất cứ người nào trong xã hội sử dụng trùng lặp - cho dù người đó vô tình, không có ý định sao chép hay xâm phạm quyền. Ở đây, người có nhãn hiệu đã đăng ký có quyền ngăn cản người khác sử dụng nhãn hiệu này trong tên doanh nghiệp hay biển hiệu để đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp có sự trùng hợp như vậy, thông tư 05 yêu cầu doanh nghiệp rút lại hoặc đổi tên để không có yếu tố xung đột với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó” - ông Lâm cho biết.
Thực tế hiện nay, trình trạng xâm phạm quyền SHCN không chỉ có ở Việt Nam mà phổ biến trên toàn thế giới. Đó là nạn làm hàng giả, nhái, copy thành quả lao động và sáng tạo của người khác để đánh lừa người tiêu dùng và thu lợi nhuận.
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN - cho biết, trong 54 cuộc thanh tra về SHCN trên toàn quốc năm 2015 thì có tới 40 cơ sở bị phát hiện vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 1,6 tỷ đồng. Thanh tra Bộ KH&CN cũng đã tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hơn 73.000 sản phẩm xâm phạm quyền SHCN và buộc tiêu hủy gần 17.000 tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm.
Từ thực tế này, ông Lâm khuyến cáo doanh nghiệp trước khi đăng ký tên hay biển hiệu nên tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ để biết các yếu tố cơ bản trong tên dự kiến đặt đã có trong nhãn hiệu được bảo hộ trước đó của doanh nghiệp thuộc ngành nghề có liên quan hay không. Thao tác tra cứu này sẽ giúp tránh rủi ro, phiền phức khi phải đổi tên. Thực tế, có những doanh nghiệp đã trót đầu tư nhiều tiền của, công sức để phát triển doanh nghiệp theo tên mình đăng ký, sau đó phát hiện bị trùng, phải bỏ đi, thiệt hại rất lớn.