Chiến lược phát triển chăn nuôi tới đây được kỳ vọng sẽ gắn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, có đánh giá dự báo và tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược. Đó là nội dung được thảo luận và nhấn mạnh tại Hội nghị lấy ý kiến về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, định hướng năm 2040 ngày15/9.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Nhìn nhận về chiến lược của ngành 10 năm trước, Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản lượng, giá trị của ngành chăn nuôi luôn thuộc tốp đầu trong khối nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa... cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới đòi hỏi phải hội nhập sâu rộng, thoát khỏi tư duy manh mún, thì những nược điểm của ngành chăn nuôi như tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn ít, dẫn tới khó kiểm soát dịch bệnh, chế biến sâu còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải có một chiến lược mới. Trước tình hình mới, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, “dư địa phát triển chăn nuôi, lợi ích kinh tế chăn nuôi còn rất lớn và lớn hơn so với các ngành thuộc khối nông nghiệp. Ngành chăn nuôi đã và đang thay đổi căn bản từ chăn nuôi tận dụng, nông hộ, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, hàng hóa, cạnh tranh”. Nhưng trong bối cảnh nền chăn nuôi hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thúc đẩy, làm tốt quy hoạch tổng thể quy mô chăn nuôi gắn với yếu tố thị trường để đảm bảo công tác dự báo, có như vậy hiệu quả chăn nuôi mới bền vững. Bà đánh giá cao sự chuẩn bị Chiến lược phát triển chăn nuôi một cách công phu, nghiêm túc, cầu thị nhưng đề nghị, trong chiến lược cần nêu rõ căn cứ khoa học của việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (đến năm 2025 xây được ít nhất 10 vùng cấp huyện và đến năm 2030 được ít nhất 20 vùng cấp huyện).
GS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Hội nghị.
Về phía các doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cũng kỳ vọng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi phải bao quát được nhiều mục tiêu. Muốn phát triển thì trước hết phải xem nội lực của mình có gì và thị trường có cần nó không? Đặc biệt, Nhà nước cần "phân vai" quản lý rõ ràng đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm nông nghiệp.
Còn theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, cần phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành chăn nuôi, như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Đây là cách để hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Nếu như giai đoạn trước, ngành chăn nuôi hướng tới sản xuất đủ nhu cầu, thì trong giai đoạn 2020-2030, mục tiêu đặt ra là phải nâng tầm vị trí ở quốc tế, hướng tới chế biến theo chuỗi, đẩy mạnh xuất khẩu. "Chúng tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành chiến lược để doanh nghiệp có định hướng, mục tiêu phấn đấu, giúp "đại bàng" hay "chim sẻ" đều có thể bay cao, bay xa theo tầm nhìn này", ông Lương chia sẻ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò của công tác quy hoạch, lập chiến lược. "Chiến lược là công cụ quan trọng để vừa định hướng, vừa kiểm soát phát triển. Muốn phát triển bền vững phải kiểm soát được phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và bám sát các nhu cầu của thị trường", Phó Thủ tướng nói và cho rằng: “Chiến lược đã định hướng phát triển ngành chăn nuôi thực sự có sức cạnh tranh, phát triển bền vững, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển đất nước”.
Về quan điểm, nội dung của chiến lược, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển chăn nuôi phải gắn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, tránh "lệch pha" cung cầu. "Đây là vấn đề rất khó, nên phải vừa đánh giá, dự báo, vừa cập nhật, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, theo đúng diễn biến; tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược, thiếu kế hoạch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi phải đảm bảo năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, nên phải theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bên cạnh đó cũng coi trọng chăn nuôi truyền thống, để có những sản phẩm đặc thù của Việt Nam, gắn với du lịch.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp, coi đây là “đầu tàu”, là động lực chính để công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tạo các chuỗi liên kết.
Về các giải pháp trong chiến lược, Phó Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật. Đồng thời làm rõ các giải pháp cụ thể như về đất đai, vốn, khoa học công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, tín dụng, hỗ trợ chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường...