Ý kiến trên được TSKH Nghiêm Vũ Khải đưa ra trong Hội thảo “Đẩy mạnh triển khai hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ” (KH&CN) do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào sáng 22/12.
Theo TS Nghiêm Vũ Khải - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, lâu nay việc truyền thông và phổ biến tri thức KH&CN vẫn còn hạn chế. Nhiều người quan niệm trong truyền thông đã có phổ biến tri thức. Tuy nhiên, nội hàm của phổ biến kiến thức KH&CN là gì thì hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hay chương trình nghiên cứu lí luận tổng thể về cách làm.
TSKH Nghiêm Vũ Khải chủ trì hội thảo. Ảnh: Ngọc Vũ. Cũng theo ông Khải, ngoài luật KH&CN nói chung, các văn bản hướng dẫn hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học vẫn chưa được xây dựng, quy định cụ thể.
Theo bà Dương Thị Nga - Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), trên thế giới, mục tiêu của hoạt động truyền thông và phổ biến tri thức KH&CN là nâng cao nhận thức và kỹ năng của công chúng về khoa học. Trong đó, phổ biến tri thức KH&CN là chia sẻ kiến thức, nâng cao hiểu biết để kỹ năng để thực hành trong cuộc sống. Ở các nước đang phát triển, yếu tố người dân tham gia vào việc đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách KH&CN được đánh giá rất cao. Việc này sẽ giúp KH&CN phát huy hiệu quả vai trò, giảm thiểu rủi ro để tránh những tác động mạnh đến xã hội hoặc lợi ích chung của quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh - Trưởng ban Thông tin và phổ biến kiến thức cho rằng, hiện nay Việt Nam mới chỉ đưa được hoạt động này vào điều 48 của Luật KH&CN. Việc cụ thể hóa thành các văn bản dưới luật như quyết định của Thủ tướng hay thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu.
“Do thiếu chế tài nên hầu như không có nguồn lực đẩy mạnh hoạt động rộng rãi. Trong quá trình làm thực tế, có những ý tưởng, mô hình hoạt động rất hiệu quả ở cấp xã, nhưng không có cơ chế để nhân rộng ra các xã khác hoặc phát triển ở quy mô lớn hơn” - ông Linh tiếc nuối.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ một vài giải pháp: “Nga, Pháp và Trung Quốc có 3 cuốn tạp chí KH&CN rất hay, mà hầu như nhà khoa học nào cũng yêu thích. Nếu có thể hãy mua bản quyền và dịch những cuốn tạp chí này về Việt Nam và bán với giá vừa phải để mọi người đều có cơ hội được đọc nó. Ngoài ra, cần phải có hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời để động viên các nhà khoa học nhiệt tình với các hoạt động phổ biến tri thức KH&CN”.
GS Nguyễn Lân Dũng mong sẽ có những nơi để thông tin chía sẻ kiến thức KHCN. Ảnh: Ngọc Vũ.
GS Dũng cũng cho rằng, hiện nay các nhà khoa học đang thiếu các kênh để thông tin đến người dân. Ông Dũng nêu điển hình như thời gian vừa qua ông có sang Trung Quốc tham quan và được biết mô hình trồng nấm rơm trên quy trình trồng nấm mỡ. Đây là kiến thức rất đơn giản nhưng ít người nông dân biết. GS Dũng mong rằng sẽ có nơi để những nhà khoa học như ông được lên tiếng chia sẻ những kinh nghiệm hay hoặc những bí quyết, kết quả nghiên cứu tới mọi người dẫn.
Theo TS Nghiêm Vũ Khải, trong thời gian tới, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban KH&CN và môi trường quốc hội, Bộ KH&CN xây dựng luật truyền thông và phổ kiến thức KH&CN. Ông Khải hy vọng rằng khi có luật, các nhà khoa học và các nhà truyền thông sẽ thuận lợi hơn trong các hoạt động phổ biến trí thưc KH&CN.