Mặc dù có vai trò quan trọng đối với công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm song hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc quản lý các thiết bị thử nghiệm.
Đây là thông tin được đưa ra trong hội thảo “Hoạt động đo lường trong phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia”, nằm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Việt Nam tổ chức vào ngày 9/1.
Kể từ năm 2006 cho đến nay, dưới sự chủ trì của Bộ KH&CN, TCĐLCL đã xây dựng các luật: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, và Luật Đo lường năm 2011. Đây là cơ sở để TCĐLCL triển khai các hoạt động về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm: xây dựng 12.000 tiêu chuẩn, trong đó khoảng 60% tiêu chuẩn được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; triển khai đề án 712 nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp (Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg); đề án 100 về truy xuất nguồn gốc (Quyết định số 100/QĐ-TTg năm 2019),...
Tuy nhiên, trong số các văn bản hiện nay chưa có quy định về thiết bị thử nghiệm. Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của đối tượng cụ thể (sản phẩm, hàng hóa, thiết bị....) theo một quy trình nhất định. Chẳng hạn với thử nghiệm mũ bảo hiểm, máy đo thử nghiệm sẽ kiểm tra độ đâm xuyên, gia tốc dội lại trong quá trình va chạm,... đây là bước quan trọng để đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thực tế.
Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết: “Mặc dù đã có 3 luật rồi, nhưng vẫn còn chỗ trống về thiết bị thử nghiệm, chưa có quy định chúng nằm ở đâu, ai quản lý, chất lượng ra sao, đúng sai như thế nào,... Chẳng hạn với thử nghiệm mũ bảo hiểm, hiện nay vẫn chưa có quy định nào về thiết bị này”.
Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu trong buổi lễ. Nguồn: KH&PT
Nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động đo lường, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 996/QĐ-TTg). “Chúng tôi mong đề án 996 sẽ giải quyết được vấn đề này, tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện quản lý các thiết bị thử nghiệm một cách bài bản, đảm bảo chất lượng để sử dụng trong thử nghiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa”, ông Trần Văn Vinh nói.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả TCĐLCL đạt được trong năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung cần chú ý như: (1) Tập trung triển khai quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 về phê duyệt đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế giai đoạn 2025, định hướng 2030; (2) Phối hợp và đẩy mạnh hoạt động đo lường trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ ngành như đo đạc bản đồ, ngành khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; (3) Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nhận, thừa nhận lẫn nhau các kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đo lường; (4) Tăng cường vai trò tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở các địa phương, ổn định cơ cấu tổ chức cơ quan nhà nước về đo lường ở các tỉnh, các thành phố trực thuộc trung ương; (5) Đẩy nhanh tiến độ triển khai và xây dựng dự án Viện Đo lường Việt Nam ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.