Dịch bệnh đã và đang tác động nặng nề lên khu vực doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xã hội (DNXH). Điều đáng lo ngại là phần lớn người lao động và người hưởng lợi trực tiếp từ các DNXH lại thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
DNXH sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Ảnh: enternews. Chính vì vậy, cần thiết phải có tiếng nói của khu vực DNXH để các hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đến với đúng đối tượng và đúng thời điểm, trong lúc nhóm doanh nghiệp dễ tổn thương này cũng như người lao động và đối tượng hưởng lợi của họ còn có khả năng cầm cự.
Với nhận thức như vậy, trong 3 ngày, từ ngày 10-12/04/2020, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, đã gấp rút thực hiện khảo sát "Ảnh hưởng của Covid-19 đến Khu vực Doanh nghiệp Xã hội và nhu cầu hỗ trợ" với 30 phiếu trả lời từ các DNXH tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Thực phẩm; Nông nghiệp hữu cơ; Đào tạo, dạy nghề; Đồ thủ công mỹ nghệ; Du lịch bền vững.
Từ những câu trả lời thu được, nhóm khảo sát đã hoàn thành Báo cáo "Ảnh hưởng của COVID-19 đến khu vực Doanh nghiệp Xã hội Việt Nam và nhu cầu hỗ trợ" và công bố vào ngày 13/4, nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về tác động của Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của DNXH, phản ứng của DNXH, các kịch bản dự kiến về hoạt động kinh doanh của DNXH, và mong muốn hỗ trợ cũng như hành động có thể thực hiện để hỗ trợ DNXH.
Theo Báo cáo, ở Việt Nam hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã đăng ký theo Luật Doanh nghiệp 2014 và khoảng 21.000 doanh nghiệp tạo tác động xã hội, dưới đây được gọi chung là khối DNXH. Các kịch bản dự kiến về hoạt động kinh doanh của DNXH được Báo cáo chỉ ra như sau:
Thứ nhất, nếu tình hình như hiện nay và tiếp tục kéo dài đến hết quý II/2020, ước tính có khoảng 46 nghìn người hưởng lợi của các DNXH và 990 nghìn người hưởng lợi từ các DN tạo tác động bị giảm những hỗ trợ nhận được. Có khoảng 163 nghìn người hưởng lợi từ các DNXH và 3,5 triệu người hưởng lợi từ các DN tạo tác động không còn tiếp tục được nhận các hỗ trợ từ khu vực doanh nghiệp này.
Thứ hai, 68% các DNXH vẫn nỗ lực duy trì hoạt động cho đến hết quý II/2020, tuy nhiên, nếu kịch bản COVID-19 kéo dài đến hết quý III, con số tạm dừng hoạt động và phá sản dự kiến sẽ là 38%.
Thứ ba, cùng với những khó khăn về kinh doanh và dòng tiền, DNXH phải tập trung vào những vấn đề thiết yếu nhất của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, khác với doanh nghiệp thương mại thông thường, 41% DNXH vẫn nỗ lực không thay đổi, giảm thiểu các nỗ lực ảnh hưởng đến thực hiện sứ mệnh xã hội của mình, tiếp tục hỗ trợ các nhóm yếu thế trong tạo việc làm, Nếu COVID-19 kéo dài đến hết quý III/2020, 59% số DNXH sẽ phải tạm ngừng các hoạt động hỗ trợ nhóm hưởng lợi để tập trung hoàn toàn vào mô hình kinh doanh thương mại để sinh tồn.
Báo cáo cũng nêu một số kiến nghị ban đầu:
Thứ nhất, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần ghi nhận chính thức về tầm quan trọng của DNXH trong việc chia sẻ gánh nặng về an sinh và phát triển xã hội với khu vực công. Chính vì vậy, việc tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/4 vừa qua có thể ưu tiên doanh nghiệp xã hội (người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính), người lao động trong các DNXH (với tư cách người lao động được hưởng các trợ cấp thất nghiệp, mất việc), người hưởng lợi của DNXH (hộ nghèo, hộ cận nghèo). Tuy nhiên, việc hướng dẫn chi tiết, đơn giản trong thủ tục, dễ tiếp cận vẫn là chìa khóa mà các DNXH đang cần từ các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể tiếp cận được các hỗ trợ kịp thời, trước khi khu vực DN dễ tổn thương này còn trong khả năng chịu đựng được.
Thứ hai, kinh nghiệm quốc tế bao gồm Vương quốc Anh và Hàn Quốc cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những hành động rất kịp thời về an sinh-xã hội cho doanh nghiệp và người dân nói chung. Tuy nhiên, thiếu vắng các chính sách dành riêng cho khu vực DNXH.
Thứ ba là các tổ chức hỗ trợ DNXH nên lên tiếng thông qua: (i) vận động chính sách để các DNXH được nhận các cơ chế ưu đãi hoặc ưu tiên về thời gian nhận hỗ trợ từ các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ; (ii) kêu gọi tài trợ, hỗ trợ của cộng đồng để mua hàng, và tài trợ trực tiếp cho DNXH hoặc người lao động, hoặc người hưởng lợi trực tiếp là nhóm yếu thế của DNXH. Hình thức gọi vốn cộng đồng (crowd funding) trong nhiều năm liền chưa được sự chấp thuận của Chính phủ về cơ chế vận hành, cũng như sự đón nhận của cộng đồng, đây có thể là thời điểm tốt để Việt Nam bắt kịp các thông lệ quốc tế trong lĩnh vực DNXH.
Phần lớn người lao động và người hưởng lợi trực tiếp từ các DNXH là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong ảnh là một lớp học dành cho trẻ em kém may mắn được Công ty cổ phần Tòhe tổ chức. Ảnh: Tienphong.
Với việc công bố Báo cáo cùng những chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp xã hội trong thời gian sớm nhất; nhóm nghiên cứu cho biết họ mong muốn các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ DNXH sẽ được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng để cùng chung tay chia sẻ với DNXH Việt Nam trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả chính và khuyến nghị trong báo cáo này ở mức độ khám phá, nhóm sẽ bổ sung các phân tích sâu với mẫu đại diện lớn hơn trong thời gian tới.
* Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xã hội cần đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
* Doanh nghiệp tạo tác động xã hội là mô hình doanh nghiệp cân bằng giữa sứ mệnh xã hội và mục tiêu lợi nhuận. Các doanh nghiệp này hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, kết hợp giữa kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội như tạo ra việc làm cho nhóm thứ yếu, nhất là người khuyết tật...
|