Ông Hiển cho biết: “Việc đưa tin sẽ có 2 bộ SGK miền Bắc và miền Nam, khiến dư luận hiểu rằng việc quy định sử dụng sách phân biệt theo vùng miền như thời kỳ trước năm 1975 khi đất nước còn chia cắt, là hoàn toàn sai sự thật. Chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được nghị quyết của Quốc hội thông qua khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng hoàn toàn không phải nhằm mục đích mỗi miền có một bộ riêng rẽ”.
Cũng theo ông Hiển, khi được phép có nhiều bộ hoặc nhiều cuốn SGK tức là Bộ chỉ đưa ra các tiêu chí cụ thể về SGK và chịu trách nhiệm thẩm định, trước khi cho phép bộ sách hoặc cuốn sách đó được lưu hành trên thị trường. Các tiêu chí ấy cũng sẽ không có quy định về việc vùng miền nào phải sử dụng SGK do vùng miền ấy biên soạn. Việc lựa chọn sách nào để sử dụng sẽ được phân cấp đến giáo viên, tổ bộ môn của các nhà trường, sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình, nên không có chuyện phân biệt sách miền Bắc hay miền Nam.
Với chủ trương ấy, lãnh đạo Bộ cho rằng các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết sách và hy vọng sẽ có nhiều bộ, nhiều cuốn sách có chất lượng, hấp dẫn về hình thức, có tính cạnh tranh để học sinh, giáo viên và mỗi trường lựa chọn.
Chiều qua 14/2, đại diện phía Nhà xuất bản Giáo dục VN, Phó tổng biên tập Nguyễn Văn Tùng khẳng định với phóng viên Thanh Niên, nhà xuất bản không hề cung cấp thông tin về việc sẽ biên soạn 2 bộ sách cho hai miền Bắc - Nam. “Bản thân chúng tôi cũng bất ngờ trước thông tin này vì chương trình tổng thể chưa ban hành thì việc biên soạn, xuất bản SGK là thông tin thiếu căn cứ thực tế”, ông Tùng nói.
Hiện Bộ vẫn đang tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh sửa dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Sau khi chương trình này được ban hành, Bộ sẽ công bố chương trình của từng bộ môn và trên cơ sở đó mới có thể biên soạn sách phục vụ cho việc đổi mới giáo dục phổ thông từ năm học 2018 - 2019.