Thành quả lớn nhất của các cuộc họp AWGIPC là nâng cao nhận thức và trách nhiệm về SHTT. AWGIPC 53 và các sự kiện bên lề được tổ chức tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh từ ngày 16-21/7.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ , Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thưa ông, việc Việt Nam đăng cai AWGIPC 53 có ý nghĩa gì đặc biệt?
Đây là hoạt động thường xuyên của các nước ASEAN. Thường mỗi năm có 3 cuộc họp, được tổ chức ở một nước thành viên theo hình thức luân phiên. Lần họp thứ 53 này, Việt Nam đăng cai tổ chức. Mỗi lần họp, các nước tham gia chia sẻ kinh nghiệm của mình về các hoạt động SHTT - từ nâng cao nhận thức công chúng tới các hoạt động xác lập quyền, thương mại hoá tài sản trí tuệ, kể cả nâng cao giá trị tài sản trí tuệ. Các hoạt động này được đặt trong khuôn khổ là kế hoạch hành động ASEAN.
Tuỳ theo hạng mục công việc mà mỗi nước chủ trì hoặc đồng chủ trì. Các hoạt động đó khi được triển khai sẽ được báo cáo thường xuyên, được nêu ra trong các cuộc họp như thế này và thúc đẩy các nước khác làm theo. Mục tiêu là để nâng cao năng lực của cơ quan SHTT và giá trị về quyền SHTT cho các đối tác trong nước.
Các đại biểu tham dự AWGIPC 53. Ảnh: Lê Hằng
Bên cạnh đó, ASEAN còn có hoạt động hợp tác song phương với các nước khác, ví dụ như các cơ quan về SHTT mạnh trên thế giới như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sáng chế châu Âu... Đây là những đối tác sẽ giúp nâng cao năng lực về quyền SHTT tại ASEAN nói chung và các nước nói riêng. Với những hoạt động này, các nước có cơ hội cùng nhau đẩy mạnh hệ thống SHTT của mình lên thay vì từng nước tự mình làm khi chưa có đủ kinh nghiệm.
Trong ASEAN có những khối nước rất mạnh về SHTT như Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan. Các nước như Myanmar, Lào, Campuchia được xem là còn yếu. Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Chính vì thế, qua những cuộc họp như thế này, chúng ta một mặt xem lại mình đã làm thế nào, mặt khác tiếp cận cùng ASEAN trong các vấn đề về SHTT, học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn, đồng thời thừa hưởng kết quả của hoạt động hợp tác không chỉ giữa các nước ASEAN mà còn giữa ASEAN với các đối tác lớn kể trên.
Trong cuộc họp này, chúng ta được chứng kiến lễ khởi động ASEAN Patentscope - một công cụ tra cứu và cơ sở dữ liệu về sáng chế của các nước ASEAN. Thông qua cơ sở dữ liệu này, công dân của bất kỳ nước ASEAN nào cũng đều có thể truy cập và biết được hiện trạng, vấn đề mình quan tâm đang phát triển ở các nước ASEAN như thế nào. ASEAN Patentscope bao gồm cả tiện ích là công cụ dịch sang các thứ tiếng khác nhau.
Hiện công cụ này có thể dùng tiếng Anh và tiếng Pháp để tìm hiểu tư liệu từ các nước ASEAN. Nó không chỉ giúp ích cho các cơ quan SHTT - trong đó có Cục SHTT, mà còn có ích cho các cá nhân, doanh nghiệp trong nước biết tận dụng công cụ đó để phát triển các hoạt động SHTT của mình.
Thành quả lớn nhất mà các cuộc họp AWGIPC mang lại cho Việt Nam trong thời gian qua là gì, thưa ông?
Thành quả lớn nhất là nâng cao nhận thức, cùng với đó là nâng cao trách nhiệm. Có những hạng mục công việc có thể mới, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của ta nhưng với cam kết giữa các nước trong ASEAN, chúng ta phải tìm cách tập trung nguồn lực đề đầu tư nâng cấp tiện ích. Đây không chỉ là hoạt động hợp tác thông thường mà nó đặt ra rất nhiều thách thức cho Việt Nam. Để đáp ứng cam kết trong ASEAN, Việt Nam không có cách nào khác là phải tiến lên phía trước.
Ông kỳ vọng gì ở cuộc họp năm nay, thưa ông?
Kỳ họp lần này là kỳ họp giữa năm, có rất nhiều hoạt động hợp tác song phương giữa khối ASEAN và đối tác nước ngoài. Qua những cuộc họp đó, ta sẽ điểm lại xem những hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài đã được triển khai đến mức nào và sẽ phải làm gì để thúc đẩy nó.
Xin cảm ơn ông!