Theo Amazon, thương mại điện tử bán lẻ (B2C) sẽ lọt top các ngành xuất khẩu lớn tính theo giá trị hàng hóa của Việt Nam, chỉ đứng sau: xuất khẩu máy móc, phương tiện vận tải, phụ tùng; hàng chế biến khác; hàng chế biến phân theo nguyên vật liệu; lương thực, thực phẩm và động vật sống.

Trong "Báo cáo hoạt động 2023: Trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" công bố đầu tháng Hai, Amazon Global Selling đánh giá thương mại điện tử có thể trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Điều này được xây dựng dựa trên giả định rằng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) của Việt Nam sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và năng lực về thương mại điện tử, và tăng tốc xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon. Khi đó, các MSME sẽ ưa chuộng hình thức xuất khẩu này, bởi sự thuận tiện và phù hợp của nó so với quy mô doanh nghiệp, trong khi bản thân doanh nghiệp có thể cung cấp những sản phẩm độc đáo từ Việt Nam mà họ tin rằng thế giới cần.

Nhờ vậy, thương mại điện tử bán lẻ (B2C) sẽ lọt top các ngành xuất khẩu lớn tính theo giá trị hàng hóa, chỉ đứng sau: xuất khẩu máy móc, phương tiện vận tải, phụ tùng; hàng chế biến khác; hàng chế biến phân theo nguyên vật liệu; lương thực, thực phẩm và động vật sống.
Cơ hội & Xu hướng thương mại điện tử. Nguồn: Amazon, 2024
Cơ hội và xu hướng thương mại điện tử. Nguồn: Amazon, 2024

Tính đến hết tháng 8/2023, các nhà bán lẻ Việt Nam đã bán hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon trong một năm, so với 10 triệu sản phẩm cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%.

Số lượng nhà bán hàng Việt trên sàn này cũng tăng 40%, trong đó có các chuỗi bán lẻ đã thành công tạo dựng thương hiệu trong nước và đặt mục tiêu ra quốc tế, sẵn sàng điều chỉnh danh mục sản phẩm phù hợp thị hiếu toàn cầu.

Các nhà bán hàng có doanh số trên 100.000 USD (khoảng 2,45 tỷ đồng) cũng tăng hơn 70%.
Doanh nghiệp Việt Nam bán hàng toàn cầu. Nguồn: Amazon, 2024
Doanh nghiệp Việt Nam bán hàng toàn cầu. Nguồn: Amazon, 2024

Hiện 5 ngành hàng xuất khẩu tốt nhất qua kênh thương mại điện tử Amazon, gồm: nhà cửa (nội thất), dụng cụ nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp.

Phía Amazon đánh giá, danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như đồ nội thất, trang trí nhà cửa và may mặc. Sự thăng hạng của những lĩnh vực như sức khỏe và làm đẹp cho thấy động lực tăng trưởng mới, mang đến nhiều lựa chọn sản phẩm từ Việt Nam hơn cho khách hàng toàn cầu.

Không riêng thị trường Việt Nam, Amazon nhận định rằng tiêu dùng toàn cầu sẽ tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển từ offline sang online với doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng qua từng năm, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng cho các doanh nghiệp.

Amazon ước tính thị trường bán lẻ online toàn cầu trong năm 2024 có quy mô hơn 31,3 tỷ USD, chiếm khoảng gần 13% bán lẻ toàn cầu. Trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới hơn 40,5 tỷ USD, tương đương với mức 15% tiêu dùng toàn cầu.

"Thương mại điện tử là một trong các xu hướng lớn tiếp theo dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển toàn cầu", ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định.
Top 5 danh mục bán chạy nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: Amazon, 2024
Top 5 danh mục bán chạy nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: Amazon, 2024


Từ năm 2022, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương đã khởi động một sáng kiến kéo dài 5 năm nhằm hỗ trợ đào tạo cho 10.000 nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam phát triển các kỹ năng để xây dựng một cửa hàng kinh doanh tốt trên Amazoon và xuất khẩu ra nước ngoài.