Thông tin trên được Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc công bố tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Khu CNC Hòa Lạc" diễn ra chiều 7/7. Đây là sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tham dự hội nghị có ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc,ông Lee Hyuk - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) và hơn 40 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu.
Thứ trưởng Pham Đại Dương cho biết, hội nghị này là sự kiện xúc tiến đầu tư đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành Nghị định số 74/NĐ-CP vào ngày 20/6/2017 quy định cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Cơ chế chính sách đặc thù này sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như cung cấp ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư công nghệ cao tại đây.
Thứ trưởng Pham Đại Dương cho biết thêm: "Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã xây dựng lộ trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư, xây dựng chính sách ưu đãi trình Chính phủ ban hành; ban hành trình tự, thủ tục đầu tư với tiêu chí đơn giản, rõ ràng, minh bạch, hướng tới chuyên nghiệp trong quản lý các dự án đầu tư, đồng thời bám sát chủ trương “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ".
Hiện Hàn Quốc là quốc gia có tổng số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam lớn nhất trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch xuất khập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Tại Khu CNC Hoà Lạc, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến do chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng. Nhiều dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài và các tập đoàn lớn trong nước (như VNPT, Viettel...) đã đi vào hoạt động và đã có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế đất nước.
Với kỳ vọng hội nghị sẽ là dịp để mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực y tế, vốn là ưu thế của Hàn Quốc, ông Lee Hyuk nhấn mạnh: “Việt Nam là nước thành viên có vai trò quan trọng trong khối ASEAN, do đó cần chú trọng đến vai trò đầu cầu để tạo nền tảng giúp Hàn Quốc thúc đẩy đầu tư vào thị trường y tế của khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Ngoài các hoạt động hợp tác đang được triển khai tích cực trong lĩnh vực dệt may, điện tử, hóa dầu, tôi mong muốn sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt - Hàn".
Lãnh đạo Khu CNC Hòa Lạc, các đại diện phía Hàn Quốc chúc mừng 2 dự án được cấp
giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư.
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư cho 2 dự án của Công ty DT&C (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần
dược mỹ phẩm CVI.
Dự án nhà máy công nghệ cao CVI sử dụng hệ thống tích hợp khép kín từ chiết xuất chuẩn hóa, chế tạo nguyên liệu nano đến sản xuất thành phẩm trong nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO hướng tới PICs-GMP nhằm nâng tầm cây thuốc Việt và đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người sử dụng.
Ông Nguyễn Trung Quỳnh (bên trái) - Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc - trao
giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư cho đại diện Công ty cổ phần
dược mỹ phẩm CVI.
Ông Phan Văn Hiệu - CEO của CVI - cho biết: "Năm 2017, chúng tôi đã triển khai dự án xây dựng nhà máy trị giá hơn 300 tỷ đồng, rộng 12.032 m2 tại Khu công nghiệp công nghệ cao 1, Khu CNC Hòa Lạc. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là sản xuất 100 triệu sản phẩm mỗi năm với 2 xưởng sản xuất thuốc rộng 7548m2, xưởng chiết xuất công nghệ cao rộng 1620m2".
Đại diện Công ty DT&C (Hàn Quốc) nhận Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư.
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã tập trung cập nhật tình hình đầu tư, phát triển Khu CNC Hòa Lạc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào đây.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Đại Dương, trong vài ngày tới, Khu CNC Hòa Lạc sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Hanwha Techwin của Hàn Quốc đầu tư hơn 200 triệu USD để sản xuất các bộ phận và linh kiện của động cơ máy bay, động cơ gas tuabin công nghiệp.