Đó đều là những tập đoàn, công ty lớn về các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông tại Việt Nam, gồm FPT, Viettel, BKAV, Mobifone và CMC

g
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải trao Giấy xác nhận cho đại diện Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT. Ảnh: MOIT

Trong những năm qua, phát triển và ứng dụng Hợp đồng điện tử trong xã hội là một phần quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đề ra, hướng tới mục tiêu 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong năm 2022, 80% doanh nghiệp sử dụng trong năm 2025, và 100% doanh nghiệp sử dụng trong năm 2030.

Từ tháng 9/2021 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nhận được 26 công văn đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (Certified e-Contract Authority - CeCA) của các doanh nghiệp. Sau thời gian hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật của dịch vụ, chiều ngày 31/8, Cục đã tổ chức trao Giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm, gồm Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT, Tổng Công ty viễn thông Viettel, Công ty Cổ phần BKAV, Tổng Công ty Viễn thông Mobiphone, Công ty TNHH Tổng Công ty công nghệ và giải pháp CMC.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và có khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.

Sau khi đã xác thực, những hợp đồng được ký kết trên nền tảng của năm đơn vị sẽ được đẩy lên Trục phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam. Điều này giúp đảm bảo hợp đồng có tính pháp lý và có giá trị như hợp đồng truyền thống theo các quy định của pháp luật.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Đối với ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, lễ trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực Hợp đồng điện tử vừa qua “là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam”. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Trước hết, các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng tiết kiệm chi phí in ấn, chi phí chuyển phát hợp đồng hoặc chi phí đi lại. “Mỗi hợp đồng, giao kết điện tử khi sử dụng, sẽ tiết kiệm được từ 30.000 đến 80.000 đồng” so với ký kết hợp đồng giấy như truyền thống, ông Hải cho biết tại tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các Bộ, Ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 vào tháng 5 năm nay.

Bên cạnh đó, so với quy trình hợp đồng giấy hiện tại - phải đợi Giám đốc doanh nghiệp, hoặc Lãnh đạo có mặt tại Văn phòng để ký trình - việc sử dụng Hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian hình thành hợp đồng. Lãnh đạo đơn vị đang đi công tác vẫn có thể thực hiện phê duyệt, ký kết hợp đồng. “Điều này giúp cho việc tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc rất nhiều”, ông Đặng Hoàng Hải nhận định.

Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên như ngân hàng, các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của các đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép, hoặc thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Việc này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.

Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam có thể hỗ trợ ba loại hình hợp đồng theo mức độ bảo mật từ cao đến thấp: Nhóm 1 là “Qualified contract”: Các bên tham gia đều sử dụng chữ ký số, áp dụng chủ yếu với các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp. Nhóm 2 là “Advanced contract” - kết hợp giữa chữ ký số và xác thực eKYC (định danh xác thực khách hàng điện tử 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học, nhận diện bằng AI,… mà không cần gặp mặt trực tiếp), áp dụng đối với những hợp đồng mẫu đã được đăng ký với Bộ Công thương như hợp đồng bảo hiểm, khi sử dụng chỉ cần một bên chữ ký của khách hàng được chứng thực eKYC. Nhóm 3 là “Basic contract” - bên cung cấp dịch vụ sử dụng chữ ký số và bên mua còn lại có thể sử dụng loại hình giao kết hợp đồng trên môi trường trực tuyến, ví dụ như các giao dịch mua bán qua thương mại điện tử. Các doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức tùy theo nhu cầu của mình.

Cho đến hiện tại, hầu như năm đơn vị được Bộ Công thương cấp Giấy xác nhận là đơn vị cung Dịch vụ Chứng thực Hợp đồng điện tử đều có thể cung cấp ba loại hình hợp đồng trên, và đã bắt đầu có được những khách hàng của riêng mình.

Hợp đồng điện tử được định nghĩa trongĐiều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 là "hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử". Giao kết hợp đồng điện tử là sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Lúc này, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng hợp đồng truyền thống.


Nguồn: