Số trường hợp mắc bệnh ung thư khởi phát dưới 50 tuổi, hay còn gọi là khởi phát sớm, trên toàn cầu đã tăng từ 1,82 triệu vào năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019 - theo nghiên cứu mới.
Các chuyên gia vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu lý do vì sao số ca mắc ung thư ngày càng tăng. Nghiên cứu mới, được công bố trên BMJ Oncology, cho rằng chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng rượu và thuốc lá, ít hoạt động thể chất và béo phì có thể là các nguyên nhân.
“Kể từ năm 1990, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư khởi phát sớm đã tăng đáng kể trên toàn cầu”, bài báo nghiên cứu cho biết. “Khuyến khích lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế tiêu thụ thuốc lá, rượu và hoạt động ngoài trời ở mức độ thích hợp, có thể làm giảm gánh nặng ung thư khởi phát sớm".
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người trưởng thành dưới 50 tuổi đã tăng ở nhiều nơi trên thế giới trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên nghiên cứu mới,do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường Y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) chủ trì, là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu vấn đề này cùng nguyên nhân của nó trên quy mô toàn cầu.
Hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung vào sự khác biệt giữa các vùng và quốc gia. Trong nghiên cứu toàn cầu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia về 29 loại ung thư. Họ xem xét các ca bệnh mới, số ca tử vong, hậu quả sức khỏe và các yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh cho tất cả những người từ 14-49 tuổi để ước tính những thay đổi từ năm 1990 đến năm 2019.
Năm 2019, tổng số ca chẩn đoán ung thư mới ở độ tuổi dưới 50 là 3,26 triệu, tăng 79% so với tổng số năm 1990. Ung thư vú chiếm số lượng ca mắc và số lượng ca tử vong cao nhất, lần lượt là 13,7 và 3,5 người trên mỗi 100.000 người, xét trên dân số toàn cầu.
Tuy nhiên, ung thư khí quản và tuyến tiền liệt lại là các loại ung thư có số ca mắc tăng nhanh nhất trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2019. Ước tính, mỗi năm ung thư khí quản có số ca mắc tăng 2,28% và ung thư tuyến tiền liệt tăng 2,23%. Trong khi đó, số ca ung thư gan khởi phát sớm đã giảm khoảng 2,88% mỗi năm.
Tổng cộng có 1,06 triệu người dưới 50 tuổi chết vì ung thư trong năm 2019, tăng 27% so với con số năm 1990. Sau ung thư vú, ung thư khí quản, phổi, dạ dày và ruột lần lượt là các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu là các vùng có tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm cao nhất trong năm 2019. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng bị ảnh hưởng.
Châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á là các vùng có tỷ lệ tử vong do ung thư khởi phát sớm cao nhất. Đáng lưu ý, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, ung thư khởi phát sớm có tác động lớn hơn đến phụ nữ so với nam giới, ảnh hưởng nặng nề hơn đến sức khỏe và gây tử vong nhiều hơn.
Dựa trên các xu hướng quan sát được trong 3 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu ước tính rằng số ca mắc ung thư khởi phát sớm và số ca tử vong do ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu sẽ tăng lần lượt 31% và 21% vào năm 2030.
Các nhà nghiên cứu cho biết yếu tố di truyền có thể có vai trò nhất định, nhưng chế độ ăn nhiều thịt đỏ và muối, ít trái cây và sữa, cùng với việc sử dụng rượu và thuốc lá, là những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh ung thư khởi phát sớm phổ biến nhất. Ngoài ra, việc không hoạt động thể chất, thừa cân và các yếu tố góp phần làm tăng lượng đường trong máu, cũng có thể là nguyên nhân.
Tiến sĩ Claire Knight - nhà quản lý thông tin y tế cấp cao tại Cancer Research UK, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết vẫn chưa rõ điều gì đang thúc đẩy xu hướng này và kêu gọi cần nhìn nhận kết quả một cách thận trọng.
"Tuy phát hiện này có vẻ đáng báo động, nhưng ung thư chủ yếu vẫn là căn bệnh của người lớn tuổi. Phần lớn các trường hợp ung thư mới trên toàn thế giới được chẩn đoán ở những người từ 50 tuổi trở lên”, theo Knight. Ông cho biết, có rất nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ ung thư, như không hút thuốc, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục nhiều và bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời.
Nguồn: