Một nghiên cứu thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý học tại Đại học Kingston, London cho thấy khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc thông qua biểu cảm khuôn mặt ở người tự kỷ có thể đang bị đánh giá thấp so với thực tế.
Tự kỷ là hội chứng gây ảnh hưởng nhất định tới giao tiếp xã hội. Do đó, nhiều người tin rằng những người tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc đọc biểu cảm khuôn mặt. Tuy nhiên, Tiến sĩ Elisa Back, Khoa Kinh doanh và Khoa học Xã hội (ĐH Kingston) đã chứng minh điều này không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp.
Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain
Phát hiện này có giá trị tham khảo quan trọng với các chuyên gia y tế và giáo dục trẻ em và thanh niên tự kỉ. “Đây (nghiên cứu về chứng tự kỷ) là một lĩnh vực nghiên cứu gây nhiều tranh cãi, với nhiều phát hiện trước và sau mâu thuẫn với nhau. Quan trọng là, chúng ta không chỉ trả lời câu hỏi liệu người trẻ tự kỷ có khả năng nhận diện các dạng cảm xúc phức tạp hay các trạng thái tâm lý từ khuôn mặt hay không mà còn phải tìm ra cơ chế phía sau hoạt động ấy nữa. Liệu ấn tượng ban đầu với một số bộ phận nhất định trên khuôn mặt và cơ chế xử lý thông tin theo sau ở người tự kỷ có khác biệt so với người bình thường?”, tiến sĩ Back cho biết.
Một nhóm 32 trẻ vị thành niên trong độ tuổi 11 và 16 đã tham gia thí nghiệm. Một nửa số trẻ trong đó được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và ghép cặp dựa theo tuổi, chỉ số IQ và giới tính với 16 trẻ phát triển bình thường. Các em được cho xem hình ảnh một chuỗi khuôn mặt biểu hiện 8 trạng thái tâm lý ở 3 điều kiện khác nhau, bao gồm toàn bộ khuôn mặt chuyển động, hay các bộ phận khuôn mặt đều thay đổi biểu cảm trừ mắt hoặc miệng.
Sau đó, các em sẽ được cung cấp một từ miêu tả trạng thái tâm lý và được yêu cầu đánh giá xem từ đó có miêu tả cảm xúc hay suy nghĩ của người trong ảnh không. Ngoài độ chính xác trong câu trả lời, các nhà nghiên cứu con ghi lại các chỉ số như thời gian trả lời hay chuyển động mắt trong suốt quá trình.
Kết quả cho thấy, trẻ tự kỉ có biểu hiện tương đương với trẻ bình thường xét về độ chính xác, tốc độ trả lời hay cử động mắt. Kết luận này, tuy nhiên, lại đi ngược lại với phần lớn các nghiên cứu trước đây cho rằng người tự kỉ thiếu khả năng đọc biểu cảm khuôn mặt. Chính tiến sĩ Back cũng thấy đây là một phát hiện bất ngờ, khi nhìn vào khía cạnh nhạy cảm hơn, ví dụ như cách những trẻ tham gia quan sát khuôn mặt và rút ra trạng thái tâm lý từ biểu cảm, các nhà nghiên cứu không hề thấy điểm khác biệt (so với người thường).”
Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu vẫn khẳng định cần nghiên cứu thêm về cách mà tốc độ biểu cảm thể hiện ra khuôn mặt ảnh hưởng tới khả năng nhận diện của người tự kỉ. Mặc dù biểu hiện giữa hai nhóm (trẻ phát triển bình thường và trẻ tự kỉ) không có cách biệt gì đáng kể, song khả năng, việc nhận diện biểu cảm thông thường và các biểu cảm nhỏ (microexpression) xảy ra chỉ trong chốc lát ở trẻ tự kỉ sẽ có khác biệt. Có thể, trẻ tự kỉ sẽ thực sự gặp khó khăn khi nhận diện các biểu cảm nhỏ này.
Back tin rằng nghiên cứu của mình đã làm nổi bật nhu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo cho nhân lực có chuyên môn y tế và giáo dục làm việc với trẻ tự kỉ. Bà cho rằng, chúng ta không được đánh giá thấp khả năng tương tác xã hội của người tự kỉ. Những phụ huynh của trẻ tự kỉ đã làm việc với Back đều không tỏ ra ngạc nhiên khi biết con mình có khả năng nhận biết các biểu cảm phức tạp trên khuôn mặt. Dù nhiều nghiên cứu trước đây kết luận ngược lại với kết quả nghiên cứu, nhưng những người làm việc với trẻ tự kỷ cần hiểu rằng không phải trường hợp nào cũng gặp khó khăn như vậy.
Nghiên cứu được đăng tải bởi tạp chí hàng đầu của Mỹ là Child Development, tập san của Hiệp hội Nghiên cứu Phát triển Trẻ em Hoa Kỳ
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2019-09-autism-facial-previously-thought.html