Máu màu xanh không còn chức năng vận chuyển oxy, nếu không được điều trị, cô gái có thể bị ngạt thở từ bên trong.
Đây là ống tiêm chứa máu xét nghiệm của một cô gái người Mỹ. Ngay khi những giọt máu đầu tiên được rút ra khỏi tay cô ấy, các bác sĩ đã hết sức sửng sốt. Nguyên nhân là vì máu của cô gái này có màu xanh sẫm.
Liệu cô ấy có phải một người ngoài hành tinh, hay một phiên bản người Kree giống như Captain Marvel?
Bác sĩ Mỹ sửng sốt khi phát hiện cô gái có máu màu xanh như Captain Marvel
Trường hợp y tế hiếm gặp được các bác sĩ báo cáo và giải thích trên tạp chí Y học New England tuần này. Nó thuộc về một cô gái 25 tuổi đang sống tại tiểu bang Rhode Island, Hoa Kỳ.
Theo các bác sĩ tường thuật lại, cô gái trẻ đã đến phòng cấp cứu để phàn nàn về thời gian gần đây mình thường xuyên bị mệt mỏi, rã rời chân tay. Báo động nhất là cô cảm thấy da mình bị đổi màu.
Các bác sĩ chẩn đoán cô bị thiếu oxy máu, nhưng các nỗ lực cho cô gái thở thêm oxy hỗ trợ đều thất bại. Lúc bấy giờ, họ mới rút máu cô gái để xét nghiệm thì kinh ngạc thay, toàn bộ máu của cô ấy đều có màu xanh sẫm. Nó giốngmáu của cua móng ngựahơn là máu của một con người.
Nhưng cô ấy không phải một người Kree bước ra từ vũ trụ điện ảnh Mavel. Các bác sĩ cho biết các bất thường có liên quan đến một loại thuốc giảm đau mà cô ấy sử dụng gần đây có tên là benzocaine. Loại thuốc này có tác dụng gây tê cục bộ, thường được sử dụng bên trong phòng phẫu thuật, nhưng bạn cũng có thể mua ngoài nhà thuốc mà không cần kê đơn.
Hiệu ứng kì quái mà benzocaine gây ra bên trong cơ thể cô gái được xác nhận là do methemoglobin tích tụ trong máu – một tình trạng được gọi là methemoglobinemia.
Sự dư thừa methemoglobin khiến máu đổi sang màu nâu hoặc xanh sẫm thay vì màu đỏ như bình thường.
Methemoglobin thực chất là một dạng của hemoglobin – thứ protein giàu chất sắt khiến máu có màu đỏ và đảm nhận nhiệm vụ dẫn truyền oxy xung quanh cơ thể. Bất kể lúc nào bên trong cơ thể chúng ta đều có một lượng methemoglobin tự nhiên nhất định.
Nhưng bởi methemoglobin có tác dụng ức chế hemoglobin, khiến nó khó cung cấp oxy tới được các tế bào, vì vậy tích tụ quá nhiều methemoglobin trong máu có thể khiến chúng ta nghẹt thở từ trong ra ngoài.
Để ngăn chặn điều này xảy ra, cơ thể đã thiết kế một cơ chế tiết enzyme để chuyển đổi methemoglobin trở lại thành hemoglobin. Nhưng đôi khi, rắc rối sẽ xảy ra một khi cơ chế này ngừng hoạt động.
Methemoglobinemia có thể xảy ra trên những người mang đột biến gen hiếm gặp ảnh hưởng đến hemoglobin, hoặc các enzyme được sử dụng để phân giải methemoglobin của họ. Ngoài ra, một số loại thuốc, bao gồm cả benzocaine, đôi khi có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều methemoglobin hơn bình thường.
Và chính sự dư thừa methemoglobin đã khiến máu đổi sang màu nâu hoặc xanh sẫm. Và đó là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm trong cơ thể, khi máu không thể vận chuyển đủ oxy tới các tế bào, cô gái tỏ ra mệt mỏi, yếu ớt thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị.
May mắn thay, các bác sĩ từ lâu đã có một phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này. Một phương pháp có thể tưởng tượng như cách "lấy độc trị độc". Họ truyền methylene blue, một dung dịch cũng có màu xanh khác vào máu người bệnh để khôi phục lại chức năng của hemoglobin.
Các bác sĩ cho biết khi được điều trị, cô gái đã nhanh chóng hồi phục. Màu da của cô trở lại bình thường và khả năng vận động được cải thiện trở lại.
"Lấy độc trị độc" - truyền methylene blue có thể khôi phục lại chức năng của hemoglobin.
Thông thường, hầu hết những người sử dụng benzocaine hoặc các loại thuốc khác có liên quan đến methemoglobinemia không bao giờ phát triển tình trạng nặng đến nỗi toàn bộ máu bị biến thành màu xanh sẫm.
Vì vậy, tại sao cô gái 25 tuổi lại rơi vào trường hợp này vẫn là một bí ẩn với các bác sĩ. Nhưng họ lưu ý, cô gái đã sử dụng một lượng lớn thuốc benzocaine tại chỗ vào đêm hôm trước để chữa đau răng.
Ở mức độ nhẹ hơn, mỗi năm tính riêng ở Mỹ có khoảng 100 người bị ảnh hưởng bởi methemoglobinemia. Tuy nhiên, không phải ai bị đổi màu máu đều phát hiện ra tình trạng của mình, bởi đôi khi các triệu chứng của nó rất nhẹ, chỉ thoáng qua rồi hồi phục. Không phải trường hợp methemoglobinemia nào cũng gây nguy hiểm như trường hợp của cô gái này.