Công trình của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tạo thành công xương người nhờ phát triển tế bào gốc trung mô từ tủy xương lên khung làm bằng san hô, giúp điều trị cho các bệnh nhân khuyết và tổn thương xương.

Nghiên cứu trên vừa được trình bày tại Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ lần thứ XI do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức vào các ngày 3,4-5. Trong phiên hội nghị ngày 4-5, đại diện nhóm tác giả, tiến sĩ Huỳnh Duy Thảo cho biết một số bệnh nhân đã được ghép xương thành công trong các thử nghiệm lâm sàng vừa qua.


San hô biển được kỳ vọng trở thành vật liệu sinh học đa ứng dụng trong y khoa - ảnh minh họa từ Telegraph

Tủy xương người được thu nhận và sử dụng để phân lập tế bào gốc trung mô. Sau đó, tế bào gốc trung mô đươc sử dụng để phát triển thành mảnh ghép mô xương. Tuy nhiên, các tế bào gốc này vẫn cần một cái khung để có thể phát triển đúng như mong đợi. Vì thế, các nhà khoa học đã sử dụng san hô biển làm khung.

Trong phần mô tả nghiên cứu trên website của Thư viện Y học quốc gia, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa quốc gia Mỹ, đơn vị đã giới thiệu về công trình ngay lúc còn trong giai đoạn đầu vài năm về trước, nhóm nghiên cứu trình bày lý do họ chọn san hô biển: đây là một vật liệu hoàn toàn sinh học, vừa giải quyết nỗi lo thiếu hụt vật liệu ghép xương, vừa giảm nguy cơ thải ghép rất nhiều.

Các nhà khoa học đặc biện nhấn mạnh vật liệu sinh học như san hô là một nguồn đáng tin cậy và hứa hẹn ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong y học. Đồng thời, công nghệ tế bào gốc là một lĩnh vực đang trên đà phát triển và đã đạt được hiệu quả khả quan trong nhiều bệnh lý.

Trong nghiên cứu này, các tế bào gốc phát triển trên khung bằng san hô và tạo thành mảnh xương phù hợp với yêu cầu của việc ghép xương.

Nghiên cứu đã thành công bước đầu khi các mảnh xương dùng để ghép phù hợp với các tiêu chí y khoa và đã được ghép an toàn cho một số người. Các nhà nghiên cứu vẫn đang ngày một nâng cao, hoàn thiện công nghệ và hy vọng nó sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi hơn, giúp ích cho nhiều bệnh nhân hơn.