Các nghiên cứu lớn cho thấy, những người tái nhiễm COVID-19 ít gặp rủi ro về sức khỏe so với lần đầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tái nhiễm không tiềm ẩn rủi ro.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, một số ước tính cho thấy có tới 65% người Mỹ bị nhiễm COVID-19 hơn một lần. Và có khả năng là trong những thập kỷ tới, tất cả chúng ta đều sẽ nhiễm COVID-19 nhiều lần nữa.
Cho đến nay, tình trạng tái nhiễm ít xuất hiện trong các nghiên cứu xét nghiệm người tham gia nhiều hơn một lần. Dữ liệu mới nhất từ các quốc gia khác nhau cho thấy tỷ lệ tái nhiễm trong các nghiên cứu này dao động từ 5-15%, dự kiến sẽ tăng theo thời gian.
Khi tái nhiễm xảy ra, hệ thống miễn dịch dường như sẵn sàng đáp ứng. Trong
một bản thảo đăng vào tháng 3, các nhà nghiên cứu đã xem xét tình trạng tái nhiễm ở các cầu thủ và nhân viên của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ và gia đình họ. Kết quả, những người bị tái nhiễm đã loại bỏ virus nhanh hơn, trong khoảng 5 ngày, so với khoảng 7 ngày đối với người nhiễm lần đầu, theo Stephen Kissler, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, đồng tác giả nghiên cứu.
Mọi người chen chúc trên một chiếc phà ở Toronto, Canada, vào tháng 7 năm 2022, khi biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng đột biến.
Nhưng tái nhiễm không phải là không tiềm ẩn rủi ro. Những người dễ bị bệnh nặng trong lần nhiễm đầu tiên tiếp tục là những người dễ bị bệnh nặng lần tái nhiễm, ngay cả khi nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của họ đã giảm so với lần đầu.
Một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ Tổ chức cộng tác đoàn hệ COVID Mỹ, gồm thông tin lâm sàng về hơn 16 triệu người, cho thấy có khoảng 1/4 số người bị bệnh nhẹ trong lần nhiễm đầu tiên phải nhập viện trong lần tái nhiễm. Nhưng trong số những người bị bệnh nặng trong lần nhiễm đầu tiên, phải thở máy, thì gần 1/3 phải quay lại bệnh viện trong lần tái nhiễm.
Tái nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc hậu COVID không?
Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh cho thấy rằng nguy cơ mắc COVID kéo dài giảm dần trong các lần tái nhiễm. Theo đó, người lớn có 4% nguy cơ phát triển hậu COVID sau lần nhiễm đầu tiên. Tỷ lệ này giảm xuống 2,4% ở lần tái nhiễm. Đối với trẻ em và thanh niên, nguy cơ nhiễm hậu COVID sau lần nhiễm đầu tiên là 1% và không giảm nhiều.
Một lo ngại khác là ngay cả những trường hợp COVID-19 nhẹ cũng có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều nhà miễn dịch học nói rằng thiếu bằng chứng cho giả thuyết này. Các bất thường về miễn dịch dường như đi kèm với hậu COVID. Đối với hầu hết những người đã hồi phục, không có dấu hiệu nào cho thấy virus gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch kéo dài.
Sheena Cruickshank, nhà miễn dịch học tại Đại học Manchester, Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi biết suy giảm miễn dịch thực sự là thế nào. Chỉ một số loại virus phổ biến có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, như HIV".
Còn theo Marc Veldhoen, nhà miễn dịch học tại Đại học Lisbon, phần lớn những gì được mô tả về thay đổi miễn dịch sau COVID-19 đến nay là phần cuối của phản ứng sinh lý bình thường đối với một bệnh nhiễm trùng. "SARS-CoV-2 hoạt động giống như tất cả các loại virus khác mà chúng ta quen thuộc”, ông nói.
Nguồn: