Chúng ta thường khó có thể ngủ ngon nếu thiếu điều hòa nhiệt độ trong những ngày hè nóng nực. Trong số những giải pháp để giữ mát, bật quạt được xem là một lựa chọn kinh tế nhất (vì tiêu thụ ít điện hơn nhiều so với điều hòa). Tuy nhiên, liệu gió từ quạt có tốt cho sức khỏe?
Thời gian qua, nhiều đoạn tít báo chí đang có xu hướng làm nghiêm trọng hóa ảnh hưởng của quạt gió, chẳng hạn “Tại sao bật quạt khi ngủ có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn” (Mirror), hay “Ngủ với một chiếc quạt đặt đầu giường có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe” (Life Zette).
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã đính chính lại, rằng điều đó chưa đến mức gây ra thảm họa. “Quạt gió không có vẻ gì là độc hại cả” - Bác sĩ Len Horovitz, chuyên về phổi tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, cho biết. Và “vấn đề cũng không nằm ở luồng khí lưu thông”. Thật vậy, giấc ngủ rất quan trọng, và có lẽ không ai muốn đổ mồ hôi suốt cả đêm – ông nói. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì khiến cho không khí chuyển động nhanh, trong đó có quạt, đều làm bay hơi hơi nước ở miệng và đường mũi, gây nên tình trạng khô khốc khó chịu. Chưa kể, quạt gió cũng hay phát tán bụi, khiến nhiều người cảm thấy phiền toái, nhất là những ai bị dị ứng.
Nếu muốn bật quạt trong lúc ngủ, Horovitz đề nghị tốt nhất là nên để giữ nó ở một khoảng cách an toàn từ giường và không để gió thổi thẳng vào người. Để chống lại bụi và các chất gây dị ứng khác, ông cũng khuyên nên lắp đặt một bộ lọc không khí trong phòng ngủ. Ngoài ra, những ai có đường hô hấp nhạy cảm (như mũi hay bị khô, tắc nghẽn và các vấn đề khác) nên thường xuyên thông xoang hàng ngày bằng nước muối.
Không khí lạnh dễ gây ra tình trạng co thắt cơ, do đó việc tiếp xúc với gió từ quạt vào ban đêm cũng có thể làm cổ sơ cứng vào buổi sáng. Tuy nhiên, vấn đề này thực ra còn nghiêm trọng hơn đối với điều hòa nhiệt độ – Horovitz cho biết. Vì thế, nếu bạn đã quen với việc bật điều hòa trong lúc ngủ, không nên để không khí lạnh trực tiếp thổi vào người, và hãy luôn thiết lập nhiệt độ ở mức cao hơn 68 độ F (tức 20 độ C).
Nhật Phạm (Theo Live Science)