Một chủng mới của virus Ebola vừa được tìm thấy trên cơ thể một loài dơi ở Sierra Leone, 1 trong 3 quốc gia Tây Phi từng là tâm điểm của đại dịch Ebola giết chết 11.300 người những năm 2014-2016.

Theo Bộ Y tế Sierra Leone, chủng mới với tên gọi virus Ebola Bombali vẫn được các nhà khoa học gấp rút phân tích. Các chuyên gia dịch tễ cũng đang tìm kiếm xem liệu có ai đã nhiễm nó từ dơi hay chưa. Các xét nghiệm sơ khởi đã khẳng định chủng virus này hoàn toàn có khả năng lây nhiễm sang người.

Một trong số hàng ngàn người chết vì Ebola được chôn cất trong nghĩa trang cách ly ở Sierra Leone trong vụ dịch 2014-2016 - ảnh: AP

Một trong số hàng ngàn người chết vì Ebola được chôn cất trong nghĩa trang cách ly ở Sierra Leone trong vụ dịch 2014-2016 - ảnh: AP

Theo ông Amara Jambai, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Sierra Leone, hiện vẫn chưa rõ độc tính của dòng virus mới hơn kém thế nào so với chủng Zaire – thủ phạm gây đại dịch Ebola những năm 2014-2016, nhưng các nhà chức trách đã ban bố thông báo khẩn cấp đến người dân, yêu cầu họ tránh tiếp xúc và không ăn thịt dơi, tuy nhiên vẫn giữ bình tĩnh vì cho có tín hiệu nào cho thấy một vụ dịch mới có thể xảy ra.

Diễn tiến này khiến nhiều người lo ngại bởi Congo, một quốc gia cũng nằm ven biển Tây Phi vừa phải hứng chịu một vụ bùng phát của dịch Ebola vào cuối tháng 5 vừa qua với hàng chục người tử vong cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gấp rút tung vắc-xin thử nghiệm vào vùng dịch.

Sierra Leone và hai nước láng giềng Guinea và Liberia cũng là những quốc gia phải gánh chịu đại dịch Ebola kinh hoàng vào năm 2014-2016 với hơn 29.000 trường hợp nhiễm bệnh và 11.300 ca tử vong.

Đại dịch bắt nguồn từ tháng 1 năm 2014 ở Guinea, sau đó lan sang Sierra Leone và Liberia với tốc độ chóng mặt. Đây cũng là một trong các bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong lịch sử nhân loại, cho dù bệnh nhân có được cung cấp các biện pháp y tế tích cực.